Gặp mặt, động viên sinh viên khiếm thị

GD&TĐ - Sáng 9/1, Hội Người mù Việt Nam tổ chức buổi gặp mặt tặng quà cho mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam và các em sinh viên mồ côi học cao đẳng, đại học trên địa bàn Hà Nội.

Quang cảnh buổi gặp mặt
Quang cảnh buổi gặp mặt

Đến dự và động viên các em có các đại biểu: ông Phạm Viết Thu- Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội Văn phòng Quốc hội, ông Tạ Ngọc Trí- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Phó chủ tịch thường trực Ban chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn Bộ GD&ĐT cùng đại diện các bộ ngành liên quan.

Phát biểu tại chương trình, bà Đinh Việt Anh- Phó chủ tịch Hội Người mù Việt Nam cho biết: Từ khi thành lập đến nay, Hội Người mù Việt Nam luôn xác định rõ tầm quan trọng và quan tâm đẩy mạnh công tác giáo dục.

Hội đã có nhiều nỗ lực trong việc khảo sát, phát hiện trẻ em khiếm thị,  can thiệp sớm, tổ chức các lớp tiền hoà nhập, dạy chữ Braille và phục hồi chức năng, phối hợp với ngành giáo dục quan tâm, hỗ trợ các em tham gia học hoà nhập tại các bậc học phổ thông, cao đẳng, đại học.

Đối với các em sinh viên khiếm thị, các em đã phải vượt qua rất nhiều những khó khăn để có thể bước chân vào giảng đường đại học, cao đẳng và chắc chắn vẫn còn rất nhiều khó khăn ở phía trước. Để đồng hành, hỗ trợ các em trên chặng đường học tập, Hội đã xây dựng Mạng lưới sinh viên khiếm thị tại Hà Nội từ năm 2020.

Đại diện sinh viên phát biểu tại buổi gặp mặt
Đại diện sinh viên phát biểu tại buổi gặp mặt

Qua việc lắng nghe chia sẻ những khó khăn, nguyện vọng của các em, Hội đã tiến hành một số hoạt động hỗ trợ như: chuyển đổi tài liệu, giáo trình  từ bản in sang bản điện tử, audio, chữ Braille; kết nối, tặng quà, tặng học bổng, hỗ trợ điện thoại thông minh; tạo điều kiện để các em tham gia các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kĩ năng; các cuộc thi,  các buổi sinh hoạt câu lạc bộ.

Bên cạnh đó, Hội luôn động viên và tạo điều kiện để các em phát huy tính tích cực, sáng tạo và khả năng của mình để chia sẻ, đóng góp cho những người đồng tật và cho cộng đồng. Các em đã có những hoạt động ý nghĩa như: chia sẻ các kinh nghiệm chuẩn bị bước vào trường đại học cho các em học sinh phổ thông; xây dựng dự án “Đào tạo kĩ năng nấu ăn cho người khiếm thị” được tổ chức Abilis tại Việt Nam tài trợ và thực hiện rất thành công…

Để phát huy hiệu quả mô hình, Trung ương Hội mở rộng mạng lưới đến các em sinh viên khiếm thị trong cả nước từ năm 2021. Nhân kỉ niệm 72 năm ngày truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam, Trung ương Hội tổ chức buổi gặp mặt đầu tiên của mạng lưới.

Cùng với sự có mặt của hơn 80 sinh viên khiếm thị trong cả nước, đây là dịp để các cấp Hội lắng nghe những chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn, mong muốn, nguyện vọng của các em, để kiện toàn tổ chức, xây dựng kế hoạch, chung tay hỗ trợ để Mạng lưới sẽ hoạt động hiệu quả, mang lại sự hỗ trợ thiết thực cũng như tạo môi trường phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các em sinh viên; giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong học tập, trong cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.