Gặp gỡ với tiến sỹ Hubert PETIT – người giữ Kỷ lục Guinness thế giới về có nhiều bằng đại học nhất ​

GD&TĐ - Tiến sĩ Hubert PETIT đã hoàn thành 33 bằng đại học, được ghi vào sách Kỷ lục Guinness thế giới.Với ông, điều kiện tiên quyết để có được thành công trên chính là phải ngủ đủ 7 tiếng/ngày.  

Tiến sỹ Hubert PETIT – người giữ Kỷ lục Guinness thế giới với 33 bằng đại học.
Tiến sỹ Hubert PETIT – người giữ Kỷ lục Guinness thế giới với 33 bằng đại học.

Mới đây, tiến sĩ Hubert PETIT đã có buổi hội thảo “Học cách học” tại Trung tâm văn hoá Pháp. Cuối buổi hội thảo tiến sĩ Hubert PETIT đã có nhiều chia sẻ về phương pháp học của chính ông.

- Phóng viên: Theo ông tự học hay còn gọi là không đến lớp học có thành công hay không?

- Tiến sĩ H.PETIT: Chúng ta có thể tự học. Chúng ta hoàn toàn thành công khi tự đào tạo chính mình. Tự học là con đường rất khó khăn, mình phải chứng minh mình giỏi. Trong khi học đại học, ta tiếp thu được một hệ thống kiến thức cơ bản, đầy đủ sau đó mình tự học thêm những kiến thức khác có tốt hơn không.

Khi học một ngành khác với ngành mình đang học thể hiện năng lực học những môn này khác nhau. Khi bạn học càng giỏi thì mở mang kiến thức và học được nhiều nghề. Có thể như tôi vừa là bác sĩ vừa là luật sư, rồi nhà kinh tế học, nhà ngoại giao…

- Ông mất bao lâu để học hết 33 bằng đại học? Thời gian một ngày học, ông chia ra như thế nào? Phương pháp để học được nhiều như vậy là gì? Và ông đã vượt các kì thi ra sao?

- Ai cũng hỏi tôi mất bao nhiêu năm để hoàn thành những bằng cấp kia. Khi đã thích rồi thì không tính thời gian, không tính theo năm để hoàn thành sở thích của mình. Mỗi con người có hoạt động khác nhau nên lắng nghe bản thân học giờ nào. Lời khuyên cho các bạn muốn học nhiều kiến thức là phải có giấc ngủ tốt. Tôi luôn luôn ngủ tốt. Với tôi, ngủ đủ 7 tiếng mỗi ngày là rất quan trọng.

Tôi rất may mắn là chưa bao giờ trùng lịch thi, giờ thi trùng nhau đúng một lần nhưng may quá lúc đó thi vấn đáp nên tôi xin linh động được. Sau đó tôi lại sang trường y thi viết.

Tiến sỹ đã chia sẽ những kinh nghiệm của mình tại buổi hội thảo “Học cách học”.
 Tiến sỹ đã chia sẽ những kinh nghiệm của mình tại buổi hội thảo “Học cách học”.

- Vậy cuộc sống riêng tư của ông như thế nào?

- Tôi làm việc từ năm 22 tuổi. Tôi có vợ, con rồi. Tôi cũng có hoạt động khác ngoài học như luyện tập môn võ karate, chơi thể thao… Tôi cũng như bao người bình thường khác.

- Trong xã hội, nhiều trường hợp có nhiều bằng cấp rất cao nhưng lại không muốn đi theo nghề đã học mà chỉ muốn làm công việc rất nhỏ, rất bình thường. Quan điểm của ông như thế nào về việc đó.

- Cần phải tôn trọng những việc người ta đã làm. Tôi có kinh nghiệm làm thêm ở nhà hàng. Kì nghỉ hè năm 18 tuổi, tôi làm thêm ở công ty chuyển thư, chuyển hàng. Qua đó tôi biết được quá trình, ekip vận chuyển như thế nào. Đó cũng là một cách đào tạo. Bạn có bằng đại học này kia nhưng lại xin đi làm công nhân. Công nhân không chỉ làm việc bằng chân tay mà nó sẽ cho bạn hiểu biết nhiều về cuộc sống.

- Nền giáo dục ở phương Tây là khơi gợi để kích thích học sinh tìm hiểu về kiến thức. Còn nền giáo dục phương Đông như Nhật Bản, Hàn Quốc lại học rất nhiều kiến thức. Vậy theo ông nền giáo dục Việt Nam nên đi theo phương pháp nào?

- Phương pháp giáo dục nào cũng có cái khác nhau, chúng ta cần phải biết tư duy về các phương pháp học tập: Có thể là học thuộc để nhớ hay học bằng tư duy logic, nghiên cứu… Chúng ta có một cái bằng cấp, 1 quá trình đào tạo, sau đó chúng ta có kĩ năng làm việc. Đối với nghề nghiệp cần kĩ năng. Quan trọng chúng ta phải biết chúng ta muốn làm gì.

Kết thúc hội thảo nhưng có rất nhiều các em sinh viên và khán giả vẫn muốn tiếp tục trao đổi.
 Kết thúc hội thảo nhưng có rất nhiều các em sinh viên và khán giả vẫn muốn tiếp tục trao đổi.

- Làm thế nào để nhớ được nhiều kiến thức như vậy?

- Lúc đầu tôi không nghĩ đến cách nào. Chúng ta không thể học nếu chúng ta không tò mò, mong muốn tìm hiểu. Chúng ta phải có động lực. Chúng ta phải thực sự mong muốn học ngành nghề yêu thích. Ví dụ như làm giáo viên phải có thiên hướng, nếu không có phương pháp sư phạm thì không làm được. Quan trọng, chúng ta yêu thích những gì chúng ta làm

- Theo ông, quản lí thời gian học như thế nào để hoàn thành học nhiều ngành hiệu quả?

- Làm sao có thể học các môn khác nhau nếu chúng ta không mở rộng kiến thức, khi kiến thức càng nhiều càng có khả năng bắc cầu các lĩnh vực khác nhau. Cá nhân chúng ta tự đánh giá để bắc cầu các kiến thức. Như vậy chúng ta có kĩ năng kiến thức, từ đó có thể kết nối kiến thức lại với nhau, đương nhiên sẽ nắm bắt được nhiều ngành.

Qua cuộc trao đổi với tiến sĩ Hubert PETIT, chúng ta có thể thấy khả năng học hỏi của con người là không có hạn định và ai cũng có thể làm được nếu chọn cho mình đúng phương pháp, đồng thời kiên trì với mục tiêu rõ ràng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.