Gặp gỡ cấp cao Nga và Ấn Độ: Đêm trước của những thay đổi

Gặp gỡ cấp cao Nga và Ấn Độ: Đêm trước của những thay đổi

(GD&TĐ) - Ngày 21/10, tại Moskva, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga V.Putin. Theo nhiều nguồn tin, cuộc gặp cấp cao Nga - Ấn Độ lần thứ 14 này không có bước đột phá đáng kể.

Các bên không đạt được thỏa thuận những điều kiện trong việc xây dựng các lò phản ứng số 3 và số 4 của nhà máy điện hạt nhân “Kudankulam” và sản xuất 100 máy bay Sukhoi Superjet tại Ấn Độ. So với cuộc gặp cách đây 10 tháng, 6 thỏa thuận được ký kết trong khuôn khổ cuộc gặp cấp cao Nga - Ấn lần này là con số quá khiêm tốn. Có cảm giác như ông Manmohan Singh đến Moskva và sau đó là Bắc Kinh để nói lời từ giã, bởi năm nay Thủ tướng Ấn Độ đã ở tuổi 81 và chính trường Ấn Độ đang có những diễn biến khó lường...

Cuộc gặp... “có vấn đề” 

Đây có là cuộc gặp cấp cao cuối cùng của Manmohan Singh và V.Putin?
Đây có là cuộc gặp cấp cao cuối cùng của Manmohan Singh và V.Putin?

Cuộc gặp cấp cao Nga - Ấn lần thứ 14 được coi là hội nghị “có vấn đề” nhất trong lịch sử các cuộc gặp cấp cao giữa hai nước kể từ năm 2000. Nói như vậy bởi New Delhi đưa ra những yêu cầu hết sức khắt khe đối với Moskva trong việc xây dựng 2 lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân “Kudankulam”, chuyện phập phù trong việc Nga chuyển giao tàu sân bay Vikramaditya cho Ấn Độ.

Theo các nhà phân tích, tại cuộc gặp gỡ cấp cao Nga - Ấn lần này, những bất đồng chính giữa hai bên có thể được giải tỏa hoặc ít nhất là giảm bớt. Câu chuyện mang tên Vikramaditya (tàu sân bay thứ 2 Nga đóng cho Ấn Độ) đã đến hồi kết. Cụ thể, vào tháng 11 tới, tàu sân bay Vikramaditya sẽ lên đường về Ấn Độ. Ngoài ra, đàm phán về các vấn đề nhạy cảm khác diễn ra không mấy suôn sẻ nhưng tuyệt nhiên không đi vào ngõ cụt.

Điểm “nghẽn” trong việc xây dựng lò phản ứng số 3 và số 4 của nhà máy điện hạt nhân “Kudankulam” là trách nhiệm của nhà thầu trong trường hợp xảy ra tai nạn, thiên tai hay những trường hợp bất khả kháng khác. Ấn Độ yêu cầu phải có điểm “trách nhiệm của nhà thầu” trong thỏa thuận sắp ký, bởi từ năm 2010, Quốc hội Ấn Độ đã thông qua “Luật trách nhiệm pháp lý”. Moskva từ chối tuân thủ yêu cầy này. Họ viện dẫn, trong hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân “Kudankulam” ký năm 1988 và thực tế xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân (số 1 và số 2) không có mục “trách nhiệm pháp lý”.

Tóm lại, cuộc gặp cấp cao Manmohan Singh - V.Putin tại Moskva lần này chỉ mang tính nghi thức. Nga và Ấn Độ đã đưa ra một “hiệp định khung” về hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực quan trọng như: Quốc phòng, năng lượng, công nghệ, du lịch và đầu tư. Chỉ là hiệp định “khung” thôi, những hợp đồng lớn, cụ thể chưa được ký kết. Nếu không tính đến những hợp đồng quân sự, quan hệ thương mại Nga - Ấn không vượt qua “mốc” 10 tỷ USD/năm. Trước đây, hai bên dự kiến doanh số thương mại sẽ đạt được 15 tỷ USD/năm và con số đó giờ đây chẳng ai dám chắc.

Tại sao lại như vậy?

Không có tuyên bố chính thức rằng Thủ tướng Manmohan Singh sẽ từ giã chính trường, nhưng chuyến công du Nga và Trung Quốc theo kiểu chia tay truyền thống của Ấn Độ lần này đã nói lên tất cả.

Dư luận đang đồn đoán về cuộc bầu cử được tiến hành vào mùa xuân năm 2014, rằng nó sẽ thay đổi toàn bộ thế hệ lãnh đạo cấp cao của đất nước đông dân thứ nhì thế giới. Manmohan Singh đã ở tuổi 81, cái tuổi có thể nghỉ ngơi. Điều quan trọng là trong bối cảnh đồng rupee tiếp tục lao dốc, ngày 28/8 vừa rồi, đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP), đảng lớn nhất trong liên minh đối lập, đã lên tiếng đòi Thủ tướng Manmohan Singh phải từ chức. 

Người được coi là kế nhiệm ông Singh - nhân vật số 2 của đảng cầm quyền là Rahul Gandhi - chắt của Thủ tướng đầu tiên Jawaharlal Nehru, cháu trai của Thủ tướng Indira Gandhi, con trai của Thủ tướng Rajiv Gandhi lại chưa đủ...lớn.

Sinh ra trong một gia đình dòng dõi, nhưng theo kết quả các cuộc điều tra xã hội học, Rahul Gandhi gần như chắc chắn sẽ thất bại trước các đối thủ hiện thời. Tháng 9 năm nay, BJP vừa tìm được thủ lĩnh Narendra Modi (63 tuổi) - người đứng đầu bang Guajarat và là nhà lãnh đạo mạnh mẽ, người có thể mang lại chiến thắng cho đảng này sau thất bại hết sức bất ngờ của họ vào năm 2004.  

 Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, rất có thể cuộc bầu cử vào mùa xuân năm tới sẽ đưa Ấn Độ vào giai đoạn hỗn loạn. Rất có thể không đảng nào giành được chiến thắng tuyệt đối để có thể thành lập chính phủ.

Vậy Manmohan Singh và V.Putin ký các hợp đồng hợp tác để làm gì, khi những người thực thi các hợp đồng ấy lại hoàn toàn khác.

Vấn đề cốt lõi trong chuyến công du Moskva của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh là như vậy.

Anh Phương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ