Gạo Việt - Chuyện dài thương hiệu

GD&TĐ - Mặc dù nổi tiếng là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng thực tế trên thị trường, gạo Việt hoàn toàn không có thương hiệu, bị lép vế. 

Gạo Việt - Chuyện dài thương hiệu

Còn tại nội địa thì bị các loại gạo được cho là của Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ hay Campuchia… áp đảo. Nhìn chung, những loại gạo này được ưa chuộng vì vừa dẻo thơm, vừa ngon ngọt. Dĩ nhiên, bên cạnh đó còn là tâm lý chuộng ngoại nên những loại gạo đó bán khá chạy.

Yếu thế trên sân nhà

Dạo quanh một vòng tại các chợ, siêu thị lớn nhỏ trên địa bàn Hà Nội cho thấy, phần lớn gạo bày bán đều có xuất xứ hoặc tên nước ngoài như: Gạo Nhật Bản, thơm Đài Loan, thơm Hà Lan… Riêng các cửa hàng bán gạo sỉ, lẻ gạo Thái, gạo Campuchia cũng tràn ngập và dành thế “thượng phong”. Tuy nhiên, theo phản ánh của các cửa hàng kinh doanh gạo, thực tế không có nhiều gạo ngoại nhập trên thị trường. Người tiêu dùng đang bị đánh lừa bởi tâm lý chuộng hàng ngoại. Tất cả sản phẩm có tên gạo rất tây chỉ là cách đặt tên hoặc là giống ngoại được trồng tại Việt Nam.

Có thể thấy, nguyên nhân của thực trạng này là do các đơn vị sản xuất gạo của Việt Nam không tạo ra được những sản phẩm đặc trưng, mang dấu ấn riêng cho mình; và thị trường gạo đang bị “bội thực” với những tên gọi “na ná” nhau. Đơn cử, Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) dù có nhiều nhãn hiệu gạo như: Bông bưởi xanh, Bông bưởi vàng, Bông bưởi đỏ, Bông bưởi đỏ đậm, Bông sứ, Bông trạng nguyên, Thiên Nga…. song lại thiếu sự đặc trưng và không tạo được ấn tượng về chất lượng riêng để thu hút người tiêu dùng.

Nhìn nhận thực tế của thị trường, GS Võ Tòng Xuân - chuyên gia về lĩnh vực lúa gạo cho rằng, do thiếu những sản phẩm gạo ngon nên vô hình trung đã tạo điều kiện cho người tiêu dùng tìm đến những sản phẩm gạo gắn mác ngoại. Dẫn tới việc gạo Việt càng trở nên yếu thế hơn trên sân nhà.

Theo GS Võ Tòng Xuân, hiện hầu hết gạo ngoại đang bày bán trên thị trường đều là giống ngoại được trồng ở Việt Nam, nhưng làm bao bì đẹp, in toàn tiếng nước ngoài. Thậm chí, không ít sản phẩm dán nhãn phụ tiếng Việt giống gạo nhập khẩu gây sự hiểu lầm là gạo được nhập ngoại, cũng như giá trị.

Loay hoay tìm thương hiệu

Không chỉ riêng sản phẩm tiêu thụ trong nước, gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng không tạo được dấu ấn riêng đối với người tiêu dùng các nước. Đa phần gạo Việt chất lượng thấp đang vào các thị trường giá trị thấp. Theo ông Trần Anh Tuấn - chuyên gia tư vấn thương hiệu cho rằng, gạo Việt tự phát chạy theo nhu cầu thị trường, thay vì định vị tập trung vào thị trường mục tiêu. Đa số sản phẩm gạo xuất khẩu chỉ có giá trị trung bình nên ít thâm nhập vào thị trường cao cấp như: Châu Âu, Mỹ mà chỉ tập trung xuất khẩu vào các nước châu Á. Ông Tuấn cũng cho biết thêm, do vắng bóng gạo cao cấp nên giá trị và sản lượng gạo Việt Nam đang giảm so với các nước.

Trước đây, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về sản lượng xuất khẩu gạo thì nay bị tụt hạng một bậc. Từ trước đến nay gạo Việt Nam chủ yếu “lấy lòng” các nhà nhập khẩu các nước bằng giá thấp. Tuy nhiên, thời gian tới ưu điểm này không còn là lợi thế, bởi tồn kho gạo của Thái Lan rất lớn, và mới đây nhất là chính phủ nước này tuyên bố xả hơn 11 triệu tấn gạo tồn kho khiến dư luận, đặc biệt ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam không khỏi lo lắng. Song song đó, lợi thế về địa lý đang tạo điều kiện cho gạo Ấn Độ và Pakistan phát triển mạnh mẽ.

Như vậy, cho tới nay, gạo Việt Nam vẫn loay hoay nâng tầm chất lượng và xây dựng thương hiệu. Trong khi chỉ mới tham gia vào thị trường xuất khẩu, nhưng gạo Campuchia, Myanmar, Lào… lại đang nổi lên trên thị trường các nước giàu như Mỹ, EU với sản phẩm gạo thơm có thương hiệu. Họ biết làm thương hiệu từ khâu chọn giống, vùng nguyên liệu cho đến trang thiết bị chế biến hiện đại tạo ra những sản phẩm ngon, sạch, giá cả hợp lý nên đã thu hút được nhiều khách hàng được cho là khó tính bậc nhất thế giới như Mỹ và EU...

Trước sức ép về cạnh tranh, việc giải quyết bài toán thương hiệu gạo Việt Nam đang ngày càng cấp bách hơn. Các chuyên gia cho rằng, xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam không hề dễ dàng bởi yếu tố mùa vụ và thổ nhưỡng của mỗi vùng khác nhau.

Chẳng hạn như diện tích trồng ít, không tập trung nên khi doanh nghiệp muốn chọn làm sản phẩm chủ lực để xây dựng thương hiệu xuất khẩu là rất khó khăn. Cũng chính bởi không có thương hiệu, nên từ trước đến nay gạo Việt Nam khá “lận đận” với giá thấp, đồng thời luôn bị o ép trên thị trường...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Đỉnh Bàn thực hành thuyết minh giới thiệu về lịch sử.

'Giáo án' đặc biệt

GD&TĐ - Nhằm tạo không gian học tập và trải nghiệm hấp dẫn cho học sinh, nhiều trường học tại Hà Tĩnh đã thiết kế các khu trải nghiệm lịch sử trong khuôn viên.