Làm sao yêu môn Sử?

Làm sao yêu môn Sử?

Điều đó cho thấy, có rất nhiều người quan tâm đến lịch sử. Nhưng ấn tượng chung trong xã hội, trong nhà trường, Lịch sử là môn phụ. Giờ đây có xu hướng đề cao các môn kỹ thuật, kỹ nghệ dễ kiếm sống sau này, nhưng cái quan trọng nhất là giá trị nguồn gốc dân tộc, lịch sử dân tộc, lại bị bỏ qua. Môn Lịch sử, khi được đưa vào các kỳ thi thì học sinh, phụ huynh và nhà trường quan tâm hơn, nhưng tâm lý chung vẫn là học đối phó, để lấy điểm thi cao.

Tại Singapore, trong một tour du lịch, có một màn biểu diễn về lịch sử Singapore. Ban đầu, không ít du khách Việt hoài nghi vì lịch sử Singapore hầu như không có bề dày như Việt Nam. Họ không thấy có một sân khấu thực cảnh hàng trăm người như hình dung. Bắt đầu chỉ là một căn phòng nhỏ gợi nhớ đến Công ty Đông Ấn thời đầu thế kỷ 18, khi Singapore bắt đầu hình thành. 

Các phòng trưng bày, trình diễn được bố trí như những nhà kho, bến cảng thời xưa, với những vật dụng ngành hàng hải, dấu vết của người Hoa, người Mã Lai, người Ấn đến Singapore được thể hiện rất rõ, rồi chiếu phim tư liệu trong một không gian của Singapore xuyên thời gian, từ thời thuộc Malaysia, đến khi độc lập rồi sau này phát triển, trở thành quốc gia hàng đầu về dịch vụ, khoa học, công nghệ. Khán giả không ngồi xem trong không gian đó, mà đi lại trong lịch sử Singapore, tương tác với bối cảnh, với các diễn viên diễn xung quanh… Một lịch sử ngắn ngủi nhưng họ đã diễn rất xúc động, rất hiệu quả.

Ở Singapore, học sinh làm các bài trình bày về lịch sử với những câu hỏi mở, giáo viên khuyến khích đặt câu hỏi và tranh luận, tổ chức những buổi tìm hiểu lịch sử dưới hình thức đóng vai, chứ không chỉ là giảng dạy một chiều… Họ gợi nên lòng tự hào về lịch sử đất nước để người dân hiểu rõ bản sắc của mình, những ảnh hưởng, tác động của sự đa dạng bản sắc đó, từ đó soi chiếu với hiện tại và tương lai để mà ứng xử thích hợp.

Sự yêu quý lịch sử đất nước, yêu thích môn Lịch sử có lẽ phải bắt đầu từ tư duy như vậy, hiểu lịch sử để hiểu mình, để rút ra các bài học cho hiện tại và tương lai, chứ không phải học chỉ để lấy điểm, học cho qua, học như một môn phụ. Thay đổi được nhận thức có lẽ sẽ thay đổi được cách dạy, cách học.

Đưa máy chiếu đến lớp để dạy sử không phải là cải tiến. Giao đề bài cho từng nhóm học sinh thuyết trình cũng chưa hẳn là cải tiến, mà phải khuyến khích được các em tranh luận với nhau, đặt câu hỏi cho giáo viên và các bạn để tìm hiểu sâu sắc lịch sử đất nước mình. Có niềm tin chắc chắn vào lịch sử, chúng ta sẽ không bị ảnh hưởng bởi những quan niệm xét lại lệch lạc trên mạng xã hội. 

Chẳng hạn, chúng ta sẽ bác bỏ được những nghi ngờ về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để tự tin tranh luận rằng ngày 30/4 thực sự là ngày giải phóng đất nước hoàn toàn khỏi quá trình đô hộ, xâm lược của người nước ngoài suốt từ năm 1858 cho tới năm 1975. Cũng không nên né tránh những vấn đề mà đến giờ vẫn được cho là nhạy cảm trong lịch sử, như câu chuyện Biển Đông, chỉ vì e ngại trong quan hệ với các nước lớn. Trong khi chúng ta im lặng, thì họ vẫn dạy Lịch sử cho học sinh của họ theo cách mà họ muốn, áp đặt, coi thường các nước nhỏ hơn.

Lịch sử không chỉ là một phần của đất nước nói chung, mà thực ra là một phần trong mỗi con người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ