Gần 2 giờ căng thẳng dành lại sự sống cho bệnh nhân rò động mạch chủ bụng

GD&TĐ - Mới đây, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD) tiếp nhận trường hợp Bác Lê Đ. L., 95 tuổi, nhà tại TPHCM, nhập viện trong tình trạng nguy kịch do chảy máu nhiều ở đường tiêu hóa.

Ê-kíp bác sĩ can thiệp điều trị cho bệnh nhân. (Ảnh BVCC).
Ê-kíp bác sĩ can thiệp điều trị cho bệnh nhân. (Ảnh BVCC).

Theo lời kể của gia đình, sáng sớm cùng ngày, người bệnh đột ngột ói và tiêu ra máu với số lượng lớn. Sau khi người nhà đưa đi cấp cứu, chụp MSCT tại một bệnh viện ở TPHCM, Bác L. được phát hiện rò động mạch chủ bụng vào ruột non, dẫn đến chảy máu ồ ạt ở đường tiêu hóa. Ngay sau đó, người bệnh đã được chuyển sang Trung tâm Tim mạch BV ĐHYD để can thiệp cấp cứu.

PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Định– Phó Giám đốc Trung tâm tim mạch, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch BV ĐHYD cho biết “Tình trạng của người bệnh khi đó rất nguy kịch, động mạch chủ bụng bị rò dẫn đến máu chảy vào đường tiêu hóa, nếu để thời gian lâu người bệnh sẽ mất máu dẫn đến tử vong.

Ngoài ra, với tình trạng lớn tuổi và sức khỏe suy yếu, các bác sĩ đã lựa chọn phương pháp can thiệp nội mạch đặt ống ghép để cấp cứu cho người bệnh với ưu điểm ít xâm lấn, không cần gây mê và thời gian can thiệp nhanh chóng.” 

Sau khi can thiệp cấp cứu, người bệnh đã qua cơn nguy kịch, có dấu hiệu hồi phục tốt. Để thực hiện được điều này, đội ngũ bác sĩ phải được đào tạo chuyên sâu, có nhiều kinh nghiệm thực tế, nếu không sẽ dẫn đến các rủi ro như giá đỡ bít nhầm các mạch máu khác nuôi cơ thể, làm bong tróc lớp vôi hóa trong thành động mạch dẫn đến tai biến,…

Bên cạnh đó, với sự hợp tác chuyên môn giữa hai bệnh viện, trong thời gian vận chuyển người bệnh, các bác sĩ BV ĐHYD đã có đầy đủ thông tin về hình ảnh học, xét nghiệm cơ bản và kế hoạch điều trị cụ thể.

Nhờ vậy, ngay khi vừa tiếp nhận người bệnh, ê-kíp bác sĩ của Đơn vị Can thiệp nội mạch đã chuẩn bị sẵn sàng, rút ngắn thời gian chẩn đoán, can thiệp thành công, cải thiện tiên lượng của loại bệnh diễn tiến nhanh và nặng nề này.

“Các bệnh lý về động mạch chủ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, nếu có những nguy cơ sau, người trưởng thành dễ mắc bệnh động mạch chủ hơn những người khác như rối loạn chuyển hóa mỡ (mỡ máu cao, gan nhiễm mỡ), đái tháo đường (tiểu đường), tăng huyết áp (tăng xông, cao máu), thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, lười vận động. Để giảm bớt nguy cơ trên, chúng ta cần có chế độ dinh dưỡng cân đối, thường xuyên vận động tập thể dục, tránh hút thuốc,...Ngoài ra, với những cơn đau ngực đột ngột, người nhà nên đưa người bệnh đến các trung tâm y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời”, PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Định khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ