Gần 14 triệu lượt khách du lịch đến Hà Nội trong 9 tháng

GD&TĐ - Trong 9 tháng năm 2022, ngành du lịch Hà Nội đã đón được 13,87 triệu lượt khách, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ.

Khách du lịch đến Hà Nội tăng 18% so với tháng 8/2022.
Khách du lịch đến Hà Nội tăng 18% so với tháng 8/2022.

Sáng 20/9, thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, trong nửa đầu tháng 9, ngành du lịch Hà Nội đã đón khoảng 1,48 triệu lượt khách.

Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đón 184.000 lượt khách, tăng 18% so với tháng 8/2022; khách du lịch nội địa ước đón 1,3 triệu lượt khách.

Tính tổng trong 9 tháng năm 2022, ngành du lịch Hà Nội đã đón được 13,87 triệu lượt khách, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 766.000 lượt khách, khách du lịch nội địa ước đạt 13,1 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 39,69 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Về hoạt động lưu trú trong tháng 9, trên địa bàn Hà Nội có 3.425 cơ sở lưu trú du lịch với 64.800 phòng. Trong đó, có 598 khách sạn, căn hộ đã được xếp hạng từ 1 - 5 sao với 25.057 phòng, chiếm 17% tổng số cơ sở lưu trú du lịch.

Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 43,7%, tăng 14,3% so với tháng 8/2022 và tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Dự kiến, trong 9 tháng đầu năm 2022, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 34,1%; tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Thành phố có 27 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 35 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 9 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí và 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ thể thao đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

Về công tác xây dựng sản phẩm du lịch, Hà Nội đã triển khai nhiều sản phẩm du lịch để tập trung thu hút khách như: tour du lịch đêm thiêng liêng của Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, Chương trình Chợ phiên vùng cao phía Bắc của Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Chuỗi hoạt động Ocean Festival tại Công viên thiên đường Bảo Sơn, Chuỗi sản phẩm: Khám phá Đông Nam Á, Tour xe bus 2 tầng - Hanoi City Tour khám phá phố phường Hà Nội...

Thời gian tới, để kích cầu, thu hút du khách, đơn vị khuyến khích các doanh nghiệp phát triển những sản phẩm du lịch mới, độc đáo, tập trung phát triển sản phẩm theo từng vùng và thế mạnh của địa phương.

Cụ thể, các huyện Chương Mỹ, Ba Vì phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm, bay khinh khí cầu, bay dù lượn gắn với đối tượng khách du lịch trẻ, năng động thích trải nghiệm khám phá; khuyến khích triển khai các hoạt động du lịch du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch homestay tại khu vực Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn; sản phẩm du lịch mua sắm ở khu vực Đông Anh - Sóc Sơn; sản phẩm du lịch văn hóa đêm, ẩm thực tại khu vực phố cổ.

Ngành du lịch Hà Nội đẩy mạnh phát triển sản phẩm dành cho người Hà Nội trải nghiệm dịch vụ khách sạn, vui chơi giải trí cao cấp với giá hấp dẫn tại các khách sạn 4 - 5 sao; nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch đêm; phối hợp với các đơn vị lữ hành, điểm đến và đặc biệt là điểm di tích, di sản để xây dựng sản phẩm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm trên nền tảng khai thác các sản phẩm du lịch truyền thống.

Đồng thời, ngành du lịch Thủ đô phối hợp chặt chẽ với các tỉnh thành hình thành các tuyến du lịch như: Chùa Hương - Tam Chúc - Bái Đính; Hồ Gươm - Tràng An - Vịnh Hạ Long, Hà Nội - Lai Châu - Hà Giang, Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.