Theo thông tin của Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, đến nay đã có gần 13 triệu người Việt Nam đã có hộ chiếu vắc xin.
Bộ Y tế mới đây cũng yêu cầu các địa phương, các đơn vị trực thuộc Bộ và Y tế các bộ, ngành phải khẩn trương hoàn thành "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng vắc xin Covid-19 trước ngày 1/6/2022. Việc này nhằm giúp cho việc ký xác thực hộ chiếu vắc xin điện tử của công dân...
Theo quyết định số 5772/QĐ-BYT ngày 20/12/2021 của Bộ Y tế, quy trình cấp Hộ chiếu vắc xin bao gồm 3 bước:
Bước 1: các cơ sở tiêm chủng thực hiện rà soát, bổ sung, xác thực thông tin tiêm chủng với CSDL quốc gia về dân cư theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bước 2: Các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19. Dữ liệu sẽ được đẩy về Hệ thống Quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
Bước 3: Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế thực hiện ký số tập trung chứng nhận tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
Trước đó, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 12/5, liên quan đến việc công nhận hộ chiếu vắc xin, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết tính đến nay, Việt Nam đã ký với 20 nước công nhận lẫn nhau về hộ chiếu vắc xin, bao gồm Nhật Bản, Mỹ, Anh, Úc, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore, St. Lucia, Hàn Quốc, Iran, Malaysia và Cộng hòa Dominica.
Phó phát ngôn Đoàn Khắc Việt cũng cho biết ngày 11/5 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã ban hành quyết định công nhận hộ chiếu vắc xin điện tử của Việt Nam.
Theo đó, hộ chiếu vắc xin của Việt Nam sẽ được 27 nước Liên minh châu Âu (EU) công nhận. Đồng thời, mã QR của một số ngành cũng được xác thực kiểm tra trên lãnh thổ của 39 đối tác tham gia hệ thống hộ chiếu vắc xin điện tử của EU.
Như vậy, tính đến ngày 12/5 hộ chiếu vắc xin của Việt Nam có thể được sử dụng trên 81 quốc gia và vùng lãnh thổ.