Game ‘Đột kích’ và cú lừa bạc tỷ trên mạng xã hội

GD&TĐ - Bằng cách mua lại 1 group có nhiều người theo dõi trên mạng xã hội, nhóm đối tượng đã lừa bán thành công Game Đột kích “ảo” cho nhiều người.

Nhóm đối tượng lừa đảo tại cơ quan Công an (ảnh: SĐ).
Nhóm đối tượng lừa đảo tại cơ quan Công an (ảnh: SĐ).

Ngày 14/5, thông tin từ Công an TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, đơn vị vừa triệt phá thành công một ổ nhóm tổ chức lừa đảo chuyên nghiệp trên không gian mạng với hơn 300 nạn nhân bị sập bẫy.

Trước đó, những ngày đầu tháng 5/2023, qua công tác trinh sát trên không gian mạng và nắm tình hình địa bàn, Công an TP Buôn Ma Thuột phát hiện 1 nhóm đối tượng ở xã Ea Tu có nhiều biểu hiện hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngay sau đó, Công an TP Buôn Ma Thuột đã xác lập chuyên án và phối hợp với phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Đắk Lắk vào cuộc xác minh, điều tra.

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Công an đã triệt phá thành công ổ nhóm trên tại một phòng trọ ở xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột. Đó là Trần Đình Lập (25 tuổi), Trần Đức Thịnh (27 tuổi), Lê Bá Kiên (28 tuổi), Trần Đình Công (23 tuổi) và Nguyễn Tiến Quang (22 tuổi) cùng trú tại TP Buôn Ma Thuột. Nhóm này do Lập cầm đầu.

Cơ quan Công an đấu tranh với nhóm đối tượng lừa đảo (ảnh: SĐ).

Cơ quan Công an đấu tranh với nhóm đối tượng lừa đảo (ảnh: SĐ).

Bước đầu, Công an đã làm rõ, các đối tượng mua lại một group trên mạng xã hội facebook với hơn 33.000 thành viên. Sau đó, các đối tượng sao chép hình ảnh các tài khoản Game “Đột kích” của người khác rồi đăng rao bán trên group này. Khi có người mua và chuyển tiền thành công thì các đối tượng liền cắt đứt liên lạc, chiếm đoạt tiền.

Theo thống kê ban đầu, đã có hơn 300 người ở nhiều tỉnh thành trong cả nước bị nhóm này lừa đảo, chiếm đoạt số tiền khoảng 1 tỷ đồng.

Hiện vụ án đang được Công an TP Buôn Ma Thuột tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý 5 đối tượng trên theo quy định của pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.