Người tiêu dùng khi ăn phải gà có dòng kháng sinh vượt ngưỡng này sẽ được tích lũy trong cơ thể con người. Khi đến một mức nhất định sẽ phát bệnh với các biểu hiện như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, vàng răng, dị ứng, xuất huyết giảm tiểu cầu, nhức đầu, phù gai mắt. “Vì gà này không đảm bảo nên chúng tôi đã khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng gà thải”, ông Tĩnh nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội) đặc điểm của gà thải khác gà ta khá nhiều nên chỉ cần chú ý người tiêu dùng sẽ nhận ra ngay.
Theo ông Thịnh, gà thải là gà công nghiệp siêu trứng, sau khi kết thúc chu kì đẻ trứng được các chủ trang trại bán đồng loạt hàng chục vạn con ra thị trường để thay thế lớp mới. Do bị nuôi nhốt lâu nên lông thường xù xì, màu lông nhạt, thường trụi lông ở cổ và phần hậu môn, mắt màu đục, bụng nặng, khi thịt thấy da nhăn nheo, không thấy mỡ dưới da, thịt có màu trắng, ăn không thơm và dai.
Trong khi đó, gà ta lông phải bông, mắt sáng, rốn kín, bụng nhẹ, chân bóng không có lõm tròn. Khi làm thịt phải có ít mỡ dưới da, lườn dầy, da bóng. Cảm giác khi tay cầm vào con gà phải đanh chắc, thịt không mềm, không có nước.
“Trước khi mua người tiêu dùng nên kiểm tra kĩ, đầu tiên là màu lông, sau đó là thịt nhưng tốt nhất là nên mua ở những nơi có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng”, PGS. Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo.