Futsal Việt Nam 2 lần dự World Cup: Đừng bỏ quên thực tế

GD&TĐ - Đội tuyển Futsal Việt Nam 2 lần liên tiếp dự World Cup, và đang hướng đến mục tiêu giành suất đến World Cup 2024. Nhưng liệu Futsal Việt Nam có vô địch Đông Nam Á, chứ chưa dám đặt khả năng châu Á?

Các cầu thủ Thái Lan ăn mừng chức vô địch futsal Đông Nam Á 2019 tại TP Hồ Chí Minh.
Các cầu thủ Thái Lan ăn mừng chức vô địch futsal Đông Nam Á 2019 tại TP Hồ Chí Minh.

Trả lời câu hỏi đó phần nào cho chúng ta thấy nền tảng thực sự của bóng đá trong nhà của Việt Nam.

Thử thách từ “vùng trũng”

So với năm 2016 thì lực lượng đến World Cup 2021 của đội tuyển Futsal Việt Nam thiếu hụt khá nhiều. Một số cầu thủ chủ chốt chấn thương như Thất Phi, Thái Phiên; hoặc Mạnh Dũng và Anh Tài vướng chuyện gia đình nên không tập trung với đội tuyển. Tuy nhiên, 4 trụ cột còn lại của đội hình dự World Cup 2016, cộng với nhiều gương mặt mới và trẻ trung đã tạo nên một tập thể đoàn kết, giàu sức chiến đấu tại Lithuania.

Từ chỗ thua 0-7 ở vòng 16 đội World Cup futsal 2016, đội tuyển futsal Việt Nam đã buộc Nga phải rất vất vả mới thắng 3-2 tại kỳ World Cup 2021. Không chỉ ghi 2 bàn vào lưới đội Nga, đội tuyển futsal Việt Nam còn ghi bàn vào lưới đội bóng từng 5 lần vô địch thế giới và hiện đang xếp hạng 2 thế giới là Brazil. Hay cầm hòa đội bóng hạng 15 thế giới CH Séc 1-1 để bước vào vòng 16 đội.

Đặc biệt, những bàn thắng của đội tuyển futsal Việt Nam đều đẹp, đến từ những tình huống phản công sắc bén hoặc phối hợp có ý đồ rõ ràng chứ không phải ăn may.

“Việt Nam kết thúc chiến dịch World Cup sau thất bại quả cảm trước Nga”, LĐBĐ châu Á (AFC) đã bình luận về trận đấu. Bên cạnh đó, LĐBĐ thế giới (FIFA) cũng dành “những lời có cánh” cho đội tuyển futsal Việt Nam tại World Cup futsal 2021. Đặc biệt là màn trình diễn của những tuyển thủ trẻ Việt Nam lần đầu tiên tham dự đấu trường thế giới. Ban chuyên môn của FIFA đã bình chọn Nguyễn Văn Hiếu vào tốp 5 cầu thủ trẻ đã tỏa sáng ở vòng bảng.

Trở về Việt Nam sau hành trình giàu cảm xúc ở Lithuania, Trưởng đoàn Trần Anh Tú chia sẻ: Đội tuyển futsal Việt Nam tham dự World Cup trong hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Và kết quả tại giải đã cho thấy sự tiến bộ cả về điểm số, bàn thắng.

Đặc biệt, màn trình diễn của các cầu thủ đã trưởng thành hơn so với 5 năm trước. Các tuyển thủ đã mang đến cho người hâm mộ niềm hạnh phúc, với màn trình diễn đầy nỗ lực, quả cảm. Mục tiêu của đội tuyển futsal Việt Nam là tiếp tục phấn đấu để góp mặt tại kỳ Futsal World Cup 2024.

Đội Việt Nam (áo sẫm) trong trận gặp đội tuyển Nga vòng 1/8 World Cup 2021.

Đội Việt Nam (áo sẫm) trong trận gặp đội tuyển Nga vòng 1/8 World Cup 2021.

Futsal Việt Nam 2 lần giành vé dự World Cup và thầy trò HLV Phạm Minh Giang nhiều cơ hội sẽ có lần thứ 3 liên tiếp. Nhưng chúng ta đừng quên thực tế “phũ phàng”, ở đấu trường Đông Nam Á đội tuyển futsal Việt Nam chưa một lần đăng quang và luôn xếp sau đội tuyển Thái Lan. Trong 4 kỳ tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á, thành tích tốt nhất của đội tuyển futsal Việt Nam chỉ là ngôi á quân, thua 1-8 trước Thái Lan trong trận chung kết SEA Games 2013.

Nhắc nhiều đến đối thủ nhiều duyên nợ Thái Lan để chúng ta thấy rõ hơn về vị trí của đội tuyển Futsal Việt Nam so với Đông Nam Á và châu Á, cũng như những hạn chế kéo dài nhiều năm chưa có lời giải. Đội tuyển Futsal Việt Nam 2 lần gần đây đi World Cup và gây ấn tượng mạnh với thế giới, song HLV Phạm Minh Giang và các học trò vẫn còn nhiều thách thức để có thể vươn lên vị trí số 1 khu vực với 2 giải đấu rất quan trọng, vô địch Đông Nam Á và SEA Games.

Futsal Việt Nam tiến bộ thì bóng đá trong nhà của người Thái cũng không lùi bước. Thậm chí, nếu đặt lên bàn cân thì Futsal Việt Nam hiện giờ giống như Thái Lan của giai đoạn những năm 2000. Trong 16 lần giải vô địch Đông Nam Á được tổ chức, 2 năm/lần, đến nay đội tuyển Futsal Thái Lan giành 15 chức vô địch. Năm 2010 họ không tham dự nên Indonesia “may mắn” giành cúp vàng. Chỉ tính riêng đội nam, Thái Lan đã giành cả 4 HCV SEA Games kể từ khi bóng đá trong nhà được đưa chương trình thi đấu.

Ở cấp độ châu Á, Futsal Thái Lan 2 lần về nhì giải đấu châu lục vào các năm 2008, 2012 xếp sau Iran và Nhật Bản. Tại giải vô địch châu Á 2018, Futsal Thái Lan vào đến tứ kết, thua 1-9 trước Iran, trong khi cũng ở vòng đấu này, Việt Nam thua 1-3 trước Uzbekistan. Đặc biệt, đội tuyển futsal Thái Lan đã dự 6 kỳ World Cup liên tiếp từ năm 2000, trong đó 3 kỳ gần đây người Thái đều lọt vào vòng 1/8.

Ngoài futsal Thailand League (giải nhà nghề) với sự tham gia của 14 đội futsal chuyên nghiệp, hệ thống thi đấu futsal Thái Lan còn có giải hạng Nhất với 10 đội tham dự để xác định đội lên, xuống hạng sau mỗi mùa giải. Thậm chí họ cũng có các giải  trẻ quốc gia như U15 hay U17, và đặc biết các giải futsal học sinh, sinh viên toàn quốc. Thái Lan rất tập trung vào các giải đấu này để tìm kiếm nguồn cầu thủ để đào tạo và cung cấp cho các câu lạc bộ ở các giải chuyên nghiệp.

Trưởng đoàn Trần Anh Tú – người đứng sau những thành công của futsal Việt Nam.

Trưởng đoàn Trần Anh Tú – người đứng sau những thành công của futsal Việt Nam.

Đừng ngủ quên trên chiến thắng

Đội tuyển futsal Việt Nam 2 lần liên tiếp giành vé vào vòng 1/8  World Cup. Đây là thành tích mà ngay cả các nền futsal hàng đầu châu Á như Iran, Nhật Bản, Uzbekistan cũng không làm được. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng đội tuyển futsal Việt Nam có chất lượng ngang bằng những đội bóng này. Vậy nên, nếu World Cup 2016 với Futsal Việt Nam là “chiến tích” thì đến 2021 tại Lithuania đó là “hành trình kỳ diệu”. Bởi suất đi World Cup chưa phản ánh đúng chất lượng của nền futsal Việt Nam.

Theo Trưởng đoàn Trần Anh Tú, giải vô địch quốc gia của Thái Lan, Nhật Bản đều đã đi lên chuyên nghiệp, trong khi Việt Nam vẫn còn hoạt động theo kiểu bán chuyên. Giải vô địch quốc gia futsal Việt Nam có 12 đội tham dự nhưng không thi đấu theo thể thức League (đá sân nhà - sân khách, vòng tròn 2 lượt tính điểm) như các giải nước bạn.

“Trình độ của tuyển futsal Việt Nam còn thấp hơn Thái Lan nhiều bậc. Nếu nhìn ra Nhật Bản, Iran hay châu Âu, chúng ta còn quá nghiệp dư”, ông Tú nhấn mạnh.

Giải vô địch quốc gia futsal Việt Nam thường chỉ kéo dài trong 3, 4 tháng, được chia làm 2 giai đoạn và các đội bóng thi đấu tập trung ở một địa điểm. Khi khoảng thời gian không thi đấu của các cầu thủ kéo dài đến 8, 9 tháng, họ không thể lo cho cuộc sống chỉ bằng nguồn thu từ futsal. Nhiều cầu thủ sẽ phải đi làm những công việc khác để lo cho bản thân, gia đình. Từ đó, sự tập trung dành cho futsal không được duy trì tối đa.

Các cầu thủ Việt Nam ăn mừng thành tích lọt vào vòng 1/8 World Cup 2021.

Các cầu thủ Việt Nam ăn mừng thành tích lọt vào vòng 1/8 World Cup 2021.

Ở Việt Nam, chỉ có Thái Sơn Nam là sở hữu ngoại binh. Tuy nhiên, họ chỉ được sử dụng ngoại binh khi thi đấu tại AFC Futsal Club Championship, giải đấu dành cho các câu lạc bộ futsal hàng đầu châu Á, chứ không được đưa vào danh sách thi đấu giải quốc nội.

Theo ông Tú, khi cơ chế hoạt động của giải futsal vô địch quốc gia vẫn chưa thể đi lên chuyên nghiệp, việc sử dụng ngoại binh là điều không thể. Nhiều câu lạc bộ ở Việt Nam vẫn chưa đạt tiêu chuẩn. Chặng đường lên chuyên nghiệp của giải futsal vô địch quốc gia Việt Nam sẽ còn rất dài.

Khi các câu lạc bộ, đội bóng futsal của Việt Nam còn vận hành theo cơ chế nghiệp dư, cũng đồng nghĩa tính tự phát sẽ đóng vai trò chủ đạo. Như trong công tác đào tạo trẻ, khâu then chốt cho sự thành bại, đội hình Việt Nam đến World Cup 2021 chỉ có Nhan Gia Hưng, Châu Đoàn Phát hay Nguyễn Minh Trí được ăn tập từ nhỏ để theo đuổi con đường futsal chuyên nghiệp. Các cầu thủ còn lại đến futsal sau khi tập luyện, thi đấu ở sân chơi 11 người hoặc bước lên từ những giải phủi.

Gia Hưng, Đoàn Phát hay Minh Trí đều đã chứng minh được tầm quan trọng của đào tạo trẻ. Minh Trí tỏa sáng ở World Cup 2016 năm 20 tuổi. Đến World Cup 2021, Đoàn Phát, cầu thủ sinh năm 1999 thi đấu ấn tượng với  2 bàn thắng, 1 kiến tạo. Những trường hợp rẽ ngang rồi tỏa sáng như Hồ Văn Ý, Nguyễn Văn Hiếu là rất hiếm, không phải giai đoạn nào cũng có. Vì vậy, đội tuyển futsal Việt Nam vẫn cần nguồn cầu thủ được đào tạo bài bản để nâng chất lượng.

Sau kỳ tích năm 2016, nhiều chuyên gia cho rằng, để futsal thật sự phát triển lớn mạnh, LĐBĐVN cần phối hợp với Bộ GD&ĐT để có phát triển futsal học đường. Có định hướng tốt thì các sân chơi futsal sẽ xuất hiện nhiều, đặc biệt là trong các trường học. Có như vậy phong trào mới phát triển mạnh.

Ngoài ra, khi đưa futsal vào học đường thì sẽ gắn với những vấn đề cơ bản, khi đó học sinh, sinh viên được đào tạo ngay từ đầu. Nhưng việc phát triển futsal trong trường học hiện nay vẫn manh mún, thiếu định hướng.

Ngoài ra, xuyên suốt thành tích 2 kỳ World Cup, đội tuyển futsal Việt Nam vẫn gắn với cái tên quen thuộc là bầu Tú và Thái Sơn Nam. Trước mắt, trong giai đoạn “khởi nghiệp” có thể coi đây là sự lựa chọn hoàn hảo cho futsal Việt Nam nhưng về lâu dài, bầu Tú cần thêm những người đồng hành. Bởi futsal Việt Nam không chỉ hướng đến mục tiêu giành vé đi World Cup mà phải tính đến sự phát triển bền vững trong lộ trình 10, 20 năm hoặc dài hơi hơn nữa. Và cho đến giờ, bầu Tú vẫn cô đơn, một mình trên hành trình đến World Cup.

Đó là những thực tế trần trụi của Futsal Việt Nam sau 2 lần đi World Cup.

“Đến giờ, futsal vẫn không được quá chú trọng, không nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội. Thế nên, số lượng câu lạc bộ futsal có nền tảng vững chắc để tồn tại không quá nhiều. Chính điều đó làm cho lực lượng cầu thủ không ổn định. Lực lượng chủ yếu trông chờ vào Thái Sơn Nam, gần đây có thêm nhiều cầu thủ của các câu lạc bộ khác tham gia đội tuyển quốc gia.
Tuy nhiên, điều mà tôi lo lắng là liệu các câu lạc bộ ấy có sự bền vững, ổn định hay không mới là vấn đề bền vững của đội tuyển. Nếu như có nhiều ông bầu có khả năng tài chính, có quyết tâm làm thì lúc ấy chúng ta mới mạnh được, mở ra cơ hội cạnh tranh huy chương” - Ông Trần Anh Tú (Trưởng đoàn đội tuyển futsal Việt Nam).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ em thường học các chuẩn mực và đặc điểm tính cách từ cha mẹ. (Ảnh: ITN).

Dạy con hiểu giá trị của gia đình

GD&TĐ - Nhiều bậc cha mẹ thấm nhuần giá trị tốt đẹp của gia đình vào con cái để giúp con phát triển thành những công dân tốt, có trách nhiệm.