Sau nhiều năm theo dõi, cũng chính FBI đã chỉ tên điểm mặt những hacker mũ đen Trung Quốc cực kỳ nguy hiểm. Hôm 7/8/2016, các quan chức FBI khẳng định rằng góp công lớn trong việc điều tra tìm ra thủ phạm chính là nhờ thủ pháp quét võng mạc của đối tượng bằng máy móc rất hiện đại.
Điệp viên Su Bin bị án tù:
Theo phóng viên hãng tin AP, “doanh nhân” Su Bin đã bị công tố viên buộc tội tham gia vào một chương trình xâm nhập kéo dài nhiều năm của các sĩ quan quân đội Trung Quốc mục đích là tìm mọi cách đánh cắp các thông tin kinh tế, thông tin quân sự nhạy cảm của Mỹ, trong đó có cả một số thông tin mật quý giá về vũ khí hạt nhân của Lầu Năm Góc.
Lãnh đạo FBI khẳng định rằng cơ quan này đã bắt được nhiều hacker mũ đen Trung Quốc.
Theo bản cáo trạng, từ năm 2008-2014, dưới vỏ bọc doanh nhân để qua mặt giới chức an ninh Mỹ, điệp viên Su Bin đến Mỹ ít nhất 10 lần và làm việc cùng hai đồng phạm ở Trung Quốc để đánh cắp dữ liệu. Cả ba đã bị cáo buộc ăn cắp kế hoạch liên quan đến máy bay vận tải quân sự F-22 và chiến đấu cơ F-35 để bán cho công ty Trung Quốc. Sau mấy năm theo dõi, cuối cùng FBI đã xác định rõ nhân thân Su Bin, đến năm 2014, FBI phối hợp với cảnh sát Canada, bắt Su Bin tại Canada, sau đó cảnh sát và FBI đã di lý hắn sang Mỹ. Sau những cuộc thẩm vấn căng thẳng, cuối cùng, với những bằng cớ xác đáng được trưng ra, vào tháng 3/2016, điệp viên đội lốt doanh nhân Su Bin đã nhận tội, nói rằng ông ta phạm pháp vì muốn kiếm tiền.
Sau khi biết được mọi chuyện, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng phủ nhận, cho đó là cáo buộc có ác ý của FBI. Phía Chính phủ Trung Quốc nói rằng họ không có liên quan gì đến âm mưu của Su Bin, rằng hắn chỉ làm vì cá nhân muốn có nhiều tiền. Sau khi đã củng cố hồ sơ, vào ngày 13/7/2016, tòa án ở Los Angeles mở các phiên xử. Tại tòa, Su Bin cũng đã cúi đầu nhận tội và xin được giảm án vì đã có công khai báo thật lòng. Đến cuối phiên xử, thẩm phán tòa án tuyên phạt ông ta 46 tháng tù giam và khoản tiền phạt 10.000 USD.
Ngoài một số điệp viên Trung Quốc đội lốt doanh nhân đến Mỹ hoạt động, theo FBI, tiếp tay tích cực cho tình báo Trung Quốc là những hacker mũ đen rất giỏi. Báo cáo của quốc hội Mỹ ngày 13/7/2016 tố cáo chính phủ Trung Quốc đứng sau các vụ tấn công tin tặc Công ty bảo hiểm ký thác liên bang Mỹ (FDIC) trong ba năm từ 2010-2013.
Báo cáo dẫn cuộc điều tra nội bộ của FDIC xác định Trung Quốc chính là thủ phạm của hàng loạt vụ tấn công nhắm vào cơ quan này, nhiều sở làm của FDIC đã bị tin tặc Trung Quốc tấn công. Theo FBI, sự việc nghiêm trọng thế, nhưng báo cáo này đã bị Chủ tịch FDIC là Martin Gruenberg vốn đã nhậm chức năm 2011, che giấu một thời gian khá lâu chỉ vì sợ mất việc!?
Theo lời ông Lamar Smith - Chủ tịch Ủy ban Khoa học, Không gian và Công nghệ Hạ viện Mỹ, “Cuộc điều tra nội bộ hé lộ nỗ lực an ninh mạng lỏng lẻo của FDIC. Ý đồ của FDIC nhằm che mắt Quốc hội là một sai lầm nghiêm trọng, và chắc chắn nó sẽ gây ra những tác hại khôn lường đối với ngành tình báo”.
Cũng theo FBI, những vụ tấn công nhắm vào FDIC đã được tiết lộ từ tháng 5/2016, nhưng báo cáo mới nhất trích dẫn một ghi chú của Tổng Thanh tra FDIC chỉ đích danh Trung Quốc. Báo cáo thậm chí tiết lộ máy tính người tiền nhiệm của ông Gruenberg là Sheila Bair, cũng đã từng bị hacker bẻ khóa xâm nhập, và chắc chắn đã đánh cắp những thông tin tình báo quan trọng. Các điệp viên FBI khẳng định rằng, tổng cộng có khoảng12 sở của FDIC và 10 máy chủ bị tấn công. Một nhân chứng nói rằng lãnh đạo bộ phận công nghệ thông tin của FDIC khi đó là Russ Pittman, đã chỉ thị các nhân viên giữ kín thông tin này để tránh ảnh hưởng đến việc nhậm chức của ông Gruenberg.
Báo cáo được công bố giữa lúc lo ngại về khả năng phòng vệ mạng của các hệ thống ngân hàng quốc tế ngày một tăng cao. Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng thừa nhận chính phủ Mỹ gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ thông tin mật. Đây cũng là trường hợp mới nhất mà Mỹ tin rằng Trung Quốc đứng sau các vụ tấn công tin tặc nhắm vào chính quyền Washington.
Điệp viên Su Bin bị tòa ở Los Angeles tuyên án 46 tháng tù giam.
Thủ pháp quét võng mạc của FBI:
Theo giới chức an ninh Mỹ, từ năm 2015, FBI đã có nhiều chiến công trong việc phát hiện ra một số điệp viên Trung Quốc đội lốt doanh nhân hoạt động công khai tại Mỹ và lôi ra ánh sáng những hacker mũ đen Trung Quốc, một phần là nhờ FBI đã thử nghiệm thành công thủ pháp quét võng mạc để truy tìm ra tội phạm. Trang công nghệ The Verge ngày 13/7/2016 tiết lộ rằng FBI đã thử nghiệm thu thập gần 430.000 lượt quét võng mạc trong ba năm qua. FBI được cho là đã bắt đầu kế hoạch quét võng mạc từ năm 2013 để phát triển một cơ sở dữ liệu, và chỉ mới thử nghiệm, nên không có sự giám sát hay đưa ra tranh luận công khai.
Tổ chức giám sát nhân quyền Privacy International nhận định: “Có một mối quan ngại rằng dữ liệu võng mạc của hàng trăm ngàn người được thêm vào cơ sở dữ liệu sinh trắc học mà không được đưa ra tranh luận công khai, tuy đạt kết quả tốt trong việc trợ giúp FBI nhanh chóng và chính xác tìm ra thủ phạm, nhưng sợ sẽ tạo ra tiền lệ không tốt, mở đường cho các biện pháp khác chưa phù hợp với tiêu chuẩn của một số tổ chức nhân quyền quốc tế”.
Theo giới báo chí, FBI đã hợp tác với các cơ quan chức năng tại Texas, Missouri và California để tiến hành dự án từ tháng 9/2013. Dữ liệu võng mạc từ những người bị bắt đã được quét trong vòng chưa đầy một giây. Theo dữ liệu của The Verge, từ đầu năm 2016 đến nay, trung bình FBI thu thập khoảng 189 lượt quét võng mạc mỗi ngày tại California. Trang mạng của FBI cho biết cơ quan này tiến hành chương trình để “đánh giá công nghệ, giải quyết những thách thức quan trọng và phát triển một hệ thống có khả năng tiến hành dịch vụ nhận dạng võng mạc”.
FBI tranh luận rằng những công nghệ như quét võng mạc là cần thiết để theo dõi tội phạm và nhanh chóng bắt giữ những kẻ vi phạm hoặc những người tình nghi đang cố gắng che giấu nhân dạng. Vì thế, nó sẽ là trợ thủ rất đắc lực cho FBI trong việc nhanh chóng tìm ra kẻ phạm tội. Vậy nên, việc quét võng mạc rất cần được khuyến khích sử dụng tại các cơ quan an ninh của Mỹ.
FDIC là cơ quan quản lý ngân hàng quan trọng của chính phủ Mỹ, nắm giữ dữ liệu mật về các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ. Vì tính chất quan trọng như thế, nên Quốc hội đã triệu tập ông Gruenberg ra điều trần trước về vấn đề nhạy cảm này trong ngày 14/7/2016, và ông đã thú nhận tất cả sơ suất của mình. Riêng Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, khi nghe tin FBI cáo buộc những hacker mũ đen Trung Quốc đã bẻ khóa xâm nhập trái phép một số cơ quan an ninh của Mỹ, đã không bình luận gì về scandal này.