Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) ngày 20/1, Sandberg cho rằng việc xóa sổ hàng loạt tài khoản trực tuyến của khủng bố không hiệu quả vì "một trang bị đánh sập thì trang khác sẽ lại nổi lên".
Thay vào đó, mọi người nên thực hiện hành động gọi là "like attack" (tấn công bằng like). Mục tiêu là bấm like tham gia các trang tuyên truyền, tuyển dụng của IS và "dìm" những post tiêu cực bằng việc làm ngập trang với những thông điệp tích cực.
COO của Facebook lấy ví dụ, một trang Facebook liên quan tới chủ nghĩa quốc xã mới đã thu hút tới hơn 100.000 người Like dù họ không hề thích trang này, sau đó đăng những bài viết về lòng vị tha và niềm hy vọng để lấn át các thông tin gây hiềm khích, bài ngoại, phân biệt chủng tộc...
Hai tuần trước, các lãnh đạo hàng đầu ở Thung lũng Silicon (Mỹ) đã có cuộc họp kín với hội đồng an ninh quốc gia và các nhà thực thi luật pháp ở Mỹ để bàn cách ngăn chặn phiến quân Nhà nước Hồi giáo chiêu mộ tay chân qua các kênh trực tuyến như Facebook, YouTube, Twitter.
Nhiều chính trị gia Mỹ đang phàn nàn rằng các công ty công nghệ chưa nỗ lực hết mình trong việc chống khủng bố. Tháng trước, tỷ phú Donald Trump thậm chí còn tuyên bố muốn gặp Bill Gates, đồng sáng lập Microsoft, để bàn về việc "đóng cửa Internet ở một số khu vực để ngăn chặn IS".
"Con cái chúng ta nhìn thấy mọi thứ trên mạng và dễ bị tác động trong suy nghĩ. Chúng còn trẻ với nhiều xúc cảm và có thể muốn gia nhập Nhà nước Hồi giáo", Donald Trump, ứng viên tranh chức Tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa, phát biểu. Tuy nhiên, ý tưởng này nhanh chóng bị phản đối.