Hôm qua, Facebook đã thừa nhận một điều mà các hãng truyền thông số đã quan sát được từ vài tháng nay: mạng xã hội này đã điều chỉnh vị trí trên tường News Feed của người dùng theo hướng ưu tiên các bài post từ bạn bè và người thân của họ hơn, chẳng hạn như ảnh chụp con trẻ, cập nhật trạng thái status - thay vì các bài báo hoặc nội dung giải trí do giới truyền thông đăng tải.
Facebook ngày càng "chèn ép" báo chí?
Một số nhà báo như Farhad Manjoo của tờ New York Times tỏ ra bất ngờ với động thái này. Facebook đã ưu tiên các nhà báo khá nhiều trong vòng vài năm trở lại đây, với những tính năng như Instant Articiles, cho phép các tòa báo hiển thị tác phẩm của họ trực tiếp trên ứng dụng di động của Facebook (nhờ đó mà người dùng có thể tải về đọc nhanh hơn), hay Live Video - quay video và truyền trực tiếp tới độc giả các sự kiện nóng.
Thế nhưng hãng cũng đồng thời có những hành xử khá lạ mà nhiều nhà báo không hiểu nổi. Rất đơn giản, Facebook là một doanh nghiệp. Nó đang vận hành hệt như một công ty truyền thông đại chúng và cũng cạnh tranh khốc liệt với các tòa báo truyền thống để giành giật ngân sách quảng cáo từ xã hội.
Hãy nhớ lại cái thời trước khi báo in, phát thanh và TV ra đời. "Tin tức" là gì? Mọi người hay bàn tán đến kiểu sự kiện như thế nào? Câu trả lời là những sự kiện xảy đến với bạn bè, gia đình mình, những sự kiện xảy ra gần nơi mình ở/làm việc. Thỉnh thoảng lắm mới có những thông tin kiểu như nhà lãnh đạo mới, chiến tranh, thiên tai, thảm họa hoặc các câu chuyện khó tin.
Những "tin tức" này được truyền miệng từ người này qua người khác, tam sao thất bản trong quá trình đó. Và đấy chính xác là những gì Facebook đã tạo ra - nhưng là trên quy mô toàn cầu và không hề có độ trễ về mặt thời gian. Tin đồn và tin tức không có ranh giới phân biệt.
"Đó chính là những gì người dùng muốn. Facebook đã tạo ra một lượng công chúng hơn 1,4 tỷ người. Bằng cách này, Facebook đã trở thành một trong 2 ông lớn của thị trường quảng cáo trực tuyến - cùng với Google. Từ trên trời rơi xuống, Facebook đang thâu tóm ngân sách quảng cáo ngày càng hạn hẹp mà các doanh nghiệp có thể chi cho truyền thông truyền thống", tờ Business Insider phân tích.
Việc Facebook tán tỉnh báo chí không phải là thực chất. Những tòa báo tưởng rằng Facebook sẽ dọn ra một khe cửa hẹp để họ đi tiếp sẽ vỡ mộng, giống như cách mà hãng game Zynga đã nếm đòn một khi người dùng Facebook chán game. "Cái gì dễ có thì cũng dễ mất". Vẫn có một việc mà các tòa báo truyền thống có thể làm được: kể những câu chuyện hay mà người dùng cảm thấy thôi thúc phải chia sẻ chúng trên Facebook. Hãy quên thuật toán đi mà chạm thẳng vào cảm xúc của độc giả ấy!