F0 kể chuyện chiến thắng Covid-19, lưu ý điều cực kỳ cần thiết

GD&TĐ - Chị Nguyễn Thị Kim Lệ sống tại TP Hồ Chí Minh đã giữ vững tinh thần lạc quan, tự chăm sóc mình và con gái khỏi bệnh, hỗ trợ các thành viên trong gia đình và nhiều người khác cùng chung tay chiến thắng dịch bệnh.

F0 kể chuyện chiến thắng Covid-19, lưu ý điều cực kỳ cần thiết

Trang tin điện tử Đảng Bộ TP Hồ Chí Minh đăng tải bài viết về chị Nguyễn Thị Kim Lệ 39 tuổi, là mẹ đơn thân đang sống cùng con gái và gia đình tại Phường 16, Quận 4, TP Hồ Chí Minh. Ngày 5/8/2021, sau khi được địa phương test nhanh Covid-19 thì cả nhà cho kết quả dương tính 5/8 thành viên. Trong đó có chị, con gái, ba, mẹ và em trai chị nhiễm bệnh.

Nhà chị Lệ phải phong tỏa, gia đình chị được cách ly tại nhà. Từ một bệnh nhân mắc Covid-19, chị Kim Lệ đã giữ vững tinh thần lạc quan, tự chăm sóc mình và con gái khỏi bệnh, hỗ trợ các thành viên trong gia đình và nhiều người khác cùng chung tay chiến thắng dịch bệnh…

Bình tĩnh, lạc quan để chăm sóc bản thân và gia đình

“Lúc nhận kết quả dương tính với Covid-19 mình cũng lo lắm, không kìm được cảm xúc nên hơi nghẹn ngào một chút. Nhưng mà ngay sau đó nghĩ lại, nhiều người cũng bệnh và chữa khỏi rồi, mình phải bình tĩnh thì mới chăm sóc cho con và cả nhà được” – chị Kim Lệ kể.

Và ngay sau đó, chị hỏi xin số điện thoại của cán bộ y tế phường; liên lạc nhờ người bạn đã từng dương tính và hiện đang hết bệnh chia sẻ thêm kinh nghiệm; theo dõi trang cá nhân của Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại TP Hồ Chí Minh.

Chưa hết, chị còn tìm hiểu chọn lọc thông tin thêm từ hội, nhóm giúp nhau mùa dịch trên facebook từ đó kết nối và có thêm sự tư vấn từ xa của Bác sĩ Phạm Thị Thanh Dung – Giám đốc Phòng khám Y học cổ truyền Nhân Ái (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh).

Bác Sĩ Dung đăng tải câu chuyện về chị Lệ và gia đình để chúc mừng và gửi năng lượng tích cực đến mọi người.

Bác Sĩ Dung đăng tải câu chuyện về chị Lệ và gia đình để chúc mừng và gửi năng lượng tích cực đến mọi người. 

Trong 6 ngày đầu, chị Lệ và người thân đều có những triệu chứng sốt, mệt mỏi, mất vị giác, mất khứu giác, nôn ói, tiêu chảy, khó thở. Nhờ có những hướng dẫn từ xa của y, bác sĩ, chị sử dụng đúng loại thuốc phù hợp cho mình và người thân. Ăn uống, sinh hoạt, tập luyện theo chế độ hợp lý.

Vì nhờ có tinh thần lạc quan, chỉ sau 10 ngày điều trị, chị và con gái đã có kết quả âm tính khi test nhanh.

Song song quá trình tự điều trị cho mình và con gái, chị Lệ cũng cố gắng hướng dẫn từng thành viên trong gia đình thực hiện đúng chuẩn 5K ngay trong nhà mình. Dù bệnh, sức khỏe yếu đi, cơ thể mệt mỏi nhưng chị Lệ vẫn không quên sát khuẩn các vật dụng trong nhà mỗi ngày và chuẩn bị thức ăn đầy đủ dinh dưỡng cho cả nhà.

Cứ đến bữa ăn, chị sẽ mang thức ăn để trước cửa từng phòng cho các thành viên, hoặc nếu thành viên này vào phòng rồi thì người của phòng kia mới được ra ngoài. Cả hai mẹ con chị ở cùng phòng nhưng cũng giữ khoảng cách, và luôn đeo khẩu trang.

Chị kể: “Thương nhất là bé Sumi, từ hôm bệnh tới giờ bị mẹ cách ly, mẹ ngủ một góc con ngủ một góc, không cho con hôn mẹ và ôm mẹ khi ngủ như trước nữa, con nhớ hơi mẹ nên mấy ngày đầu khóc, thương lắm. Mặc dù thương con nhưng phải ráng và động viên con cùng nhau cố gắng đánh thắng Covid -19 rồi mẹ cho ôm”.

Chị Lệ kể tiếp, con gái, mẹ và em trai chị động viên được nên không có chuyển biến gì đáng lo, nhưng riêng ba chị năm nay 64 tuổi, vì lo lắng và không ăn uống nổi nên sức khỏe yếu dần. Có hôm chị phải gọi điện thoại nhờ cán bộ y tế phường đến sơ cứu gấp cho ba.

Sau khi được sơ cứu và được chị Lệ nhắn tin, gọi điện thoại động viên thường xuyên (do gia đình vẫn đang cách ly từng phòng), và thấy con gái khỏi bệnh chỉ sau 10 ngày nên ba chị cũng lấy đó làm động lực bắt đầu cố gắng ăn uống và dần hồi phục.

Đến ngày 25/8/2021 cả gia đình mừng rỡ vì tất cả đều đã chiến thắng được dịch Covid-19. Hiện tại, dù cả gia đình đã âm tính sau khi test nhanh, nhưng vẫn tuân thủ 5K và tiếp tục theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tới.

“Thật sự, tinh thần lạc quan là rất quan trọng trong việc điều trị. Chính nhờ vào tinh thần sống lạc quan mà chị Lệ và con gái hồi phục nhanh chóng” - chị Lệ chia sẻ.

Cũng theo chị Lệ, những ngày đầu mặc dù mệt và mất vị giác ăn không cảm thấy ngon nhưng chị luôn nhắc cả nhà cùng cố gắng ăn uống để bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Chị đặc biệt chú trọng nấu những món cả nhà thích để nhanh lấy lại vị giác.

Bé Sumi con gái chị, năm nay 11 tuổi, không lo sợ và rất lạc quan, em hay mở các bài tập nhẹ nhàng từ youtube lên để cùng mẹ rèn luyện sức khỏe. Cô bé còn phụ mẹ một số việc nhỏ trong nhà. Và suốt thời gian bệnh, bé Sumi vẫn học tiếng Anh trực tuyến không bỏ buổi nào, chị Lệ vẫn tham gia đầy đủ các buổi họp của công ty.

Không những thế, hai mẹ con chị còn cùng nhau làm phụ kiện để mong muốn gửi tặng đến gia đình những người đã động viên, giúp đỡ gia đình chị chiến thắng dịch bệnh thay cho lời biết ơn đến sự tận tâm của cán bộ y tế phường, các bác sĩ, bạn bè, người thân…

Mẹ con chị Lệ cùng nhau làm phụ kiện để gửi tặng đến gia đình những người đã động viên, giúp đỡ mình.

Mẹ con chị Lệ cùng nhau làm phụ kiện để gửi tặng đến gia đình những người đã động viên, giúp đỡ mình. 

Từ F0 trở thành người chia sẻ và động viên F0

Sau khi khỏi bệnh, chị Lệ chia sẻ trên trang cá nhân: “Nếu không may, bạn bị F0 thì việc nên làm là không được quá lo lắng, giữ tâm lý thoải mái, vui vẻ. Chủ động khai báo y tế hoặc xin số điện thoại các bộ phận liên quan để nhờ hỗ trợ kịp thời khi cần thiết.

Chịu khó ăn uống (không ngon cũng phải ráng mà nuốt); uống nhiều nước ấm; bổ sung vitamin C (nước cam, chanh mật ong nóng...); sinh hoạt bình thường như nấu ăn, làm việc nhà (nhẹ nhàng); tập thể dục; phơi nắng mỗi buổi sáng; tắm nước ấm trước 17 giờ hằng ngày; vệ sinh thường xuyên chỗ ở (có thể lau bằng Cloramin B);

Mở cửa sổ thông thoáng; không sử dụng máy lạnh; khò họng rửa mũi thường xuyên; sốt thì uống hạ sốt, ho khan hay đàm thì uống thuốc, tiêu chảy nhiều thì uống thuốc và uống nhiều nước.

Covid-19 cũng không đáng sợ lắm đâu, đáng sợ nhất là tâm lý của mình sẽ làm cho bản thân suy sụp, nằm lì, bỏ ăn, bỏ uống không phải là cách. Dẫu biết rằng, khi bệnh là cơ thể chúng ta rất mệt và suy yếu nhưng nếu việc nằm lì, bỏ ăn uống mà làm cho sức khỏe mình ngày càng suy giảm thì mình ngại gì mà không cố gắng. Mẹ con nhỏ làm được thì mọi người cũng làm được nhé!”.

Bác Sĩ Phạm Thị Thanh Dung đăng tải câu chuyện về chị Lệ và gia đình lên trang để chúc mừng và gửi năng lượng tích cực đến mọi người: “Tâm lý tích cực luôn chiến thắng bệnh tật, bệnh nhân tích cực nhất luôn nghe lời hướng dẫn của bác sĩ nay em đã khỏe mạnh. Chúc mừng em - bà mẹ đơn thân siêu cute”.

Cũng vì nhận thấy tinh thần và kỹ năng chăm sóc sức khỏe từ chị Lệ, bác sĩ Dung đã kết nối chị đến những bệnh nhân F0 khác để chị và gia đình làm nhân chứng tiếp tục động viên khuyến khích tinh thần người bệnh, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm điều trị từ mình và gia đình cho họ.

Hiện tại, chị Lệ đang chia sẻ và hỗ trợ động viên, kết nối cho hơn 30 ca F0, tất cả đều giữ vững tinh thần tích cực và sức khỏe họ đều đang dần ổn định.

Đối với chị Lệ, dù không giúp họ được tiền bạc nhưng giúp được tinh thần đó là một niềm hạnh phúc khi được động viên khích lệ những người không may mắc Covid-19 như mình. Mong rằng, những ai không may trở thành F0 cũng giữ vững tinh thần lạc quan để mạnh mẽ cùng chung tay chiến thắng dịch bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường Tiểu học Ngô Quyền lúc tan học. Ảnh: Trúc Hân

Mô hình hiệu quả về an toàn giao thông

GD&TĐ - Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” được các trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum triển khai những năm qua đã nâng cao ý thức cho cả HS và phụ huynh.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh tư liệu

Nghe Trịnh để yêu ngày tới...

GD&TĐ - Những cô gái trong nhạc Trịnh luôn đẹp nhưng không thể chạm, tưởng như trước mắt mà thật xa xôi, nhìn thấy mà vời vợi biết mấy.