'F-16 sẽ giúp Kiev thay đổi cục diện chiến trường'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo Newsweek, với sức mạnh của tiêm kích F-16 có thể giúp Ukraine thay đổi cục diện chiến trường.

Tiêm kích F-16 mang nhiều kỳ vọng của Ukraine.
Tiêm kích F-16 mang nhiều kỳ vọng của Ukraine.

Xoay chuyển thế trận

Nhận định được báo Mỹ đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Ukraine thông báo nhóm phi công đầu tiên điều khiển phi đội F-16 Ukraine đã hoàn thành chương trình huấn luyện cơ bản tại Anh và bắt đầu chuyển sang huấn luyện trực tiếp trên F-16 tại Đan Mạch.

Bộ Quốc phòng Ukraine cũng đánh giá cao sự giúp đỡ của đối tác trong việc chuẩn bị vận hành máy bay F-16 tại Kiev. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cũng ca ngợi bước phát triển và coi đây là đóng góp đáng kể cho năng lực không quân của đất nước.

Ông Umerov nói thêm rằng khóa đào tạo rất quan trọng để trang bị cho các phi công Ukraine những kỹ năng cần thiết trong cuộc chiến với lực lượng Nga.

"Với những khả năng chiến đấu vượt trội so với chiến đấu cơ có nguồn gốc Liên Xô, F-16 sẽ giúp không quân Ukraine xoay chuyển cục diện chiến trường sau thời gian phản công bế tắc", báo Mỹ viết.

F-16 sẽ tham chiến

Đánh giá về sự xuất hiện của F-16 tại Ukraine, ông Tom Burbage, từng là Tổng giám đốc chương trình Máy bay chiến đấu của Lockheed Martin cho biết, dù còn một số vướng mắc nhưng cuối cùng Ukraine sẽ nhận được tiêm kích F-16 từ Mỹ và đối tác NATO.

Phương Tây có thể sẵn sàng cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Kiev vì hầu hết các nước phương Tây hiện đang chuyển sang sử dụng tiêm kích tàng hình F-35 tối tân hơn rất nhiều.

Ông lập luận rằng với việc quân đội các cường quốc trên toàn cầu đang hướng tới F-35 thế hệ thứ năm, điều đó sẽ "giải phóng F-16" thế hệ cũ cho các lực lượng không quân như của Ukraine.

Việc bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã thúc đẩy nhiều quốc gia chuyển sang sử dụng F-35 trong một môi trường an ninh thay đổi nhanh chóng.

Đồng thời, ông cảnh báo rằng sẽ mất nhiều năm để chuyển sang giai đoạn sử dụng F-35 đối với các quốc gia hiện đang lựa chọn máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Mỹ.

Bình luận được cựu lãnh đạo của Lockheed Martin đưa ra sau khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng đất nước của ông đang "tiến hành nhanh chóng" để cung cấp F-16 cho Ukraine.

"Chúng tôi sẽ đẩy nhanh nhất có thể", Sullivan phát biểu tại một diễn đàn an ninh ở Aspen, Colorado.

Điều này xảy ra sau khi phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby nói với các phóng viên rằng các máy bay F-16 sẽ đến Ukraine có thể là ngay trong đầu năm 2024.

Tuy nhiên, ông không cho biết những máy bay chiến đấu này đến từ quốc gia nào. Ngoài ra, Kirby cũng cảnh báo rằng "chúng tôi không đánh giá rằng chỉ riêng những chiếc F-16 sẽ đủ để lật ngược tình thế ở Ukraine".

Ông Sullivan cho biết trong một tuyên bố riêng vào tuần trước rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bật đèn xanh và chúng tôi cho phép, hỗ trợ, tạo điều kiện và trên thực tế là cung cấp các công cụ cần thiết để Ukraine bắt đầu được đào tạo trên F-16.

Phản ứng với các thông tin F-16 chuẩn bị đến Ukraine, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo rằng việc Mỹ và các đồng minh gửi F-16 tới Kiev làm tăng thêm mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.

"Một ví dụ về những diễn biến cực kỳ nguy hiểm là kế hoạch của Mỹ cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Kiev. Chúng tôi đã thông báo cho các cường quốc hạt nhân như Mỹ, Anh và Pháp rằng Nga không thể bỏ qua khả năng mang vũ khí hạt nhân của các máy bay này. Không có gì đảm bảo sẽ giúp ích ở đây", ông Lavrov nói.

Ông nói thêm rằng: "Các quân nhân Nga sẽ không biết liệu từng máy bay cụ thể thuộc loại này có được trang bị vũ khí hạt nhân hay không. Việc Lực lượng vũ trang Ukraine sở hữu máy bay chiến đấu F-16 sẽ bị Nga coi là mối đe dọa từ các nước phương Tây trong lĩnh vực hạt nhân".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vườn thực nghiệm sâm cau tại huyện Củ Chi (TPHCM) của nhóm nghiên cứu.

Nuôi cấy sâm cau bằng công nghệ mô

GD&TĐ - Các nhà khoa học Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TPHCM đã nuôi cấy thành công giống sâm cau bằng công nghệ nuôi cấy mô.