Chọn xong mẫu hóa đơn mới
Tại cuộc họp về thiết kế hóa đơn tiền điện mới vừa diễn ra, ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, sau nhiều phản ánh của khách hàng về hóa đơn tiền điện nhiều thuật ngữ chuyên ngành, cách tính bậc thang gây khó hiểu... tập đoàn đã lên kế hoạch thiết kế mẫu thay thế và đưa ra lấy ý kiến người tiêu dùng cách đây một tháng.
Quá trình bình chọn diễn ra từ ngày 12/6 đến hết ngày 11/7. Hiện nay, mẫu hóa đơn số 4 có lượt bình chọn cao nhất. EVN sẽ phân tích, tiếp thu các góp ý của người tham gia bình chọn để tổng hợp các ưu, nhược điểm của tất cả các mẫu đã lấy ý kiến rộng rãi nhằm có được mẫu hoá đơn tối ưu nhất khi đưa vào ban hành và áp dụng.
Theo ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh EVN, 4 mẫu hóa đơn mới cung cấp thông tin liên hệ của đơn vị điện lực phát hành hóa đơn, mã QR Code dùng để tra cứu và thanh toán tiền điện trực tuyến. Bên cạnh thay mới hóa đơn tiền điện, EVN cũng thí điểm triển khai hợp đồng cung cấp điện điện tử từ cuối tháng 7 và sẽ bắt đầu kế hoạch chuyển đổi hợp đồng giấy sang điện tử từ 1/9 tới. Theo kế hoạch, từ năm 2020, ngành điện sẽ áp dụng 100% hợp đồng điện tử cho toàn bộ khách hàng dùng điện.
|
Đã đủ thông tin?
Trao đổi với Báo GD&TĐ, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho biết, không dễ để đáp ứng yêu cầu, sở thích của hơn 27 triệu khách hàng chỉ với một mẫu hóa đơn. Thực tế, mẫu số 4 được bình chọn nhiều nhất, nhưng cũng chỉ chiếm hơn 31% tổng số lượt bình chọn. Do đó, EVN có thể cân nhắc việc chắt lọc những thông tin mà số đông khách hàng quan tâm để hoàn thiện mẫu hóa đơn mới.
Trong 1 tháng bình chọn từ ngày 12/6 đến 11/7/2019, 4 mẫu hóa đơn nhận được tỷ lệ bình chọn như sau: Mẫu 1 có: 16.031 lượt bình chọn (21,0%); Mẫu 2 có: 18.823 lượt bình chọn (24,7%); Mẫu 3 có: 17.161 lượt bình chọn (22,5%); Mẫu 4 có: 24.167 lượt bình chọn (31,7%);
Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Minh Phong cho rằng, kết quả từ cuộc bình chọn mẫu hóa đơn tiền điện rất khách quan, rõ ràng và có tính thuyết phục cao khi xét trên diện rộng khách hàng cả nước. “Tuy nhiên, EVN nên xem xét bổ sung thông tin tiền điện giữa các tháng liền kề để khách hàng có sự so sánh, đối chiếu, từ đó, điều chỉnh mức sử dụng điện cho phù hợp”, ông Phong góp ý. Cùng quan điểm với ông Phong, chuyên gia Ngô Trí Long khẳng định EVN lựa chọn tiếp tục bổ sung thông tin trên mẫu hóa đơn số 4 là cách làm rất chuẩn xác, đúng hướng của EVN.
Đối với người dân, thông tin trên hóa đơn không chỉ đơn thuần là thông báo. Chị Mai Phương, thuê trọ tại Vương Thừa Vũ (quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Mẫu hóa đơn mới nên ghi rõ mỗi hộ được dùng bao nhiêu số giá thấp, bao nhiêu số giá cao”. Theo chị Phương, thông tin đó rất có ích để tránh việc chủ nhà trọ tăng giá hay bán điện sinh hoạt cho người thuê trọ. “Những người thuê trọ đều là người nghèo nên họ mong muốn được hưởng giá điện theo đúng quy định Nhà nước”, chị Phương cho biết.
|
Người dân muốn giảm tiền điện
Thông tin EVN lấy ý kiến bình chọn thay đổi mẫu hóa đơn dường như không thu hút được sự quan tâm của người dân. Anh Đặng Hùng - chủ một nhà hàng tại KĐT Định Công (Hà Nội) cho biết: “Nhà hàng của tôi dùng điện hàng tháng khá nhiều, tôi muốn bên điện lực thay đổi cách tính tiền điện cho hợp lý hơn là thay đổi mẫu hóa đơn”. Theo anh Hùng, khách hàng sử dụng càng nhiều thì càng nên có chính sách hỗ trợ.
Cùng quan điểm trên, ông Thanh Tân, trú tại phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân (Hà Nội), nói: “Người dân hay doanh nghiệp chỉ quan tâm mức phí hóa đơn, đơn giá điện thôi. Còn mấy cái mẫu không quan trọng”. Ông Tân cho rằng, thay đổi cách tính tiền điện hợp lý thì người dân tự phải đi đóng cũng được. “Hóa đơn thì nhìn dễ hiểu nhưng cách tính vẫn khó hiểu như trước thì giải quyết được cái gì. Chúng tôi mong muốn là giá điện được tính theo cách đơn giản và dễ hiểu nhất”.
Trước đó, vào tháng 3, Bộ Công Thương đã quyết định điều chỉnh tăng giá điện bình quân 1.864 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT), tương ứng với 8,36% giá bán điện bình quân trước đó. Theo tính toán của ngành điện, giá điện mới sẽ tăng so với trước đó và càng dùng nhiều giá điện sẽ càng bị áp ở mức cao. Lý giải về việc tính giá điện mới này, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay nhiều nước trên thế giới, kể cả những quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, hay các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines đều áp dụng giá điện theo các bậc thang và giá các bậc thang sau cũng cao hơn bậc thang đầu tương tự Việt Nam.