EU đồng ý “thỏa thuận Brexit” tốt nhất có thể: Phần còn lại là câu chuyện của nước Anh

GD&TĐ - Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng đã chấp thuận một thỏa thuận Brexit vào hôm 25/11, kèm theo lưu ý với Thủ tướng Anh, bà Theresa May, rằng đây là thỏa thuận tốt nhất có thể và nghị viện Anh không nên từ chối nó.

Chủ tịch Hội đồng EU Donald Tusk và Thủ tướng Anh Theresa May trong hội nghị thượng đỉnh bất thường vừa diễn ra ở Brussels
Chủ tịch Hội đồng EU Donald Tusk và Thủ tướng Anh Theresa May trong hội nghị thượng đỉnh bất thường vừa diễn ra ở Brussels

Thỏa thuận “tốt nhất có thể”

“Những người nghĩ rằng, bằng cách từ chối thỏa thuận, họ sẽ nhận được một thỏa thuận tốt hơn, tuy nhiên họ sẽ phải thất vọng”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Jean-Claude Juncker nói với các phóng viên sau cuộc họp thượng đỉnh bất thường giữa 27 nhà lãnh đạo của các nước thành viên EU (diễn ra tại trụ sở EU ở Brussels, Bỉ, ngày 25/11), chính thức thông qua một điều khoản cho phép nước Anh rời liên minh từ tháng 3/2019 và một phác thảo về hiệp ước thương mại EU-Anh trong tương lai.

Khi được hỏi liệu có bất kỳ cơ hội nào về việc EU sẽ mở lại hiệp ước nếu một liên minh ủng hộ các lực lượng tán thành và chống Brexit bỏ phiếu tại quốc hội Anh, Juncker nói “đây là thỏa thuận tốt nhất có thể”. Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Donald Tusk, lại tỏ ra cương quyết hơn, khi tuyên bố rằng ông không muốn xem xét giả thuyết này.

Thủ tướng Anh, bà Theresa May, đã nhân cuộc họp báo để tuyên bố với người dân Anh về quyết định vừa được thông qua tại Brussels rằng đó là “thỏa thuận duy nhất” và “tốt nhất có thể”, cung cấp quyền kiểm soát biên giới và ngân sách của Anh, trong khi vẫn duy trì sự liên kết chặt chẽ với các quy định của EU, bảo đảm sự hợp tác về kinh doanh và an ninh giữa Anh và EU.

“Trong bất kỳ cuộc đàm phán nào, bạn không thể nhận được mọi thứ bạn muốn. Tôi nghĩ người dân Anh hiểu điều đó”, bà May nói, đồng thời cũng nhấn mạnh về kỳ vọng giữa các bên trong việc tiếp tục duy trì mối quan hệ thân thiết và gắn kết giữa Anh và EU, tất nhiên không quên lưu ý rằng mọi quyết định vẫn phải chờ Nghị viện Anh thông qua.

Theo bà May, việc bỏ phiếu của Nghị viện Anh (về thỏa thuận Brexit vừa đạt được với EC) có thể mở cánh cửa cho một “tương lai tươi sáng hơn” hoặc đẩy đất nước vào tình trạng chia rẽ sâu sắc hơn. “Tôi sẽ thúc đẩy việc thông qua thỏa thuận này với tất cả trái tim mình”, bà nói thêm, đồng thời từ chối trả lời liệu bà sẽ từ chức nếu quốc hội bác bỏ thỏa thuận.

Trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh, bà May cũng không đề cập về những gì có thể xảy ra nếu quốc hội Anh bác bỏ thỏa thuận trong một cuộc bỏ phiếu có khả năng diễn ra ngay trước hội nghị thượng đỉnh EU tiếp theo vào ngày 13 -14/12.

Không có champagne

Thủ tướng Đức Angela Merkel, một trong những nhà lãnh đạo có tiếng nói quan trọng nhất của EU, đã lặp lại sự không sẵn sàng để suy đoán về cái mà bà gọi là “ngày lịch sử” nhưng cũng vừa là “bi thảm và buồn” của EU.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói cuộc trưng cầu đưa đến Brexit của Anh cho thấy châu Âu cần cải cách. Ông nhấn mạnh rằng Paris sẽ giữ gìn mối quan hệ chặt chẽ với Anh để thắt chặt các quy định của EU, đổi lại cho họ dễ dàng tiếp cận thương mại. Ông cũng lưu ý rằng Pháp rất quan tâm đến việc đàm phán về quyền được đánh bắt cá trên lãnh hải Anh sau Brexit.

Về phần mình, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tuyên bố “không có kế hoạch B”. Ông nhấn mạnh: “Nếu có ai đó ở Vương quốc Anh nghĩ rằng bằng cách bỏ phiếu chống lại thỏa thuận này để mong có đàm phán tốt hơn, họ sẽ sớm nhận thấy sai lầm”.

Một quan chức cấp cao của EU thì cho rằng kế hoạch B duy nhất đang chuẩn bị một kịch bản Nghị viện Anh không chấp nhận thỏa thuận và nước Anh sẽ rơi vào tình trạng rối loạn sau ngày 29/3/2019, đồng thời cũng khiến nền kinh tế châu Âu bị vạ lây.

Giữa lời khen ngợi cho nhóm đàm phán của EU về Brexit do Michel Barnier phụ trách về việc đem lại một thỏa thuận sau 18 tháng đàm phán mệt mỏi, Chủ tịch EC, Jean-Claude Juncker cho biết, sẽ không có rượu champagne cho kết quả này, khi mà một trong những cường quốc lớn nhất, có tiếng nói quan trọng nhất không chỉ của châu Âu, đã dứt áo ra đi sau một cuộc trưng cầu dân ý năm 2016. Theo ông, trước mắt sẽ là những thách thức lớn với hàng núi công việc cần giải quyết để xây dựng lại mối quan hệ đôi bên hậu Brexit.

Tại cuộc họp thượng đỉnh ngày 25/11, các nhà lãnh đạo EU đã mất gần nửa giờ để thông qua hiệp ước rút gọn 585 trang, với nội dung Anh sẽ rời đi về nguyên tắc chính thức từ 29/3/2019, đồng thời sẽ mở ra khoảng thời gian từ hai đến ba năm của một giai đoạn chuyển tiếp cho quá trình chia ly này. Trong bản hiệp ước, nội dung về việc xây dựng quan hệ đối tác kinh danh và an ninh trong tương lai chỉ dài 26 trang.

Sóng gió đang chờ bà May

Đảng Cộng sản Dân chủ Bắc Ireland (DUP), lãnh đạo phe thiểu số trong chính phủ Bắc Ireland, cho biết, sẽ cố gắng ngăn chặn thỏa thuận nêu trên, vì cho rằng nó liên kết London với nhiều quy tắc của EU và DUP lo ngại rằng nó có thể làm suy yếu mối quan hệ của Bắc Ireland với Anh - kết quả của những nỗ lực để tránh rủi ro về một “biên giới cứng” giữa Bắc Ireland với các nước thành viên EU.

Tranh cãi về việc làm thế nào để giữ cho biên giới đất đai gặp khó khăn của Bắc Ireland với EU bám sát phần lớn vào các cuộc đàm phán Brexit. Lãnh đạo DUP, bà Arlene Foster cho biết sẽ “xem xét” thỏa thuận để đoạn tuyệt với chính phủ của bà May nếu Brexit được quốc hội thông qua.

Tại nước Anh, Đảng Lao động đối lập (Công đảng) đương nhiên cũng phản ứng dữ dội với thỏa thuận vừa đạt được, đồng thời chỉ trích thậm tệ chính phủ của bà May, vốn đang do Đảng Bảo thủ nắm quyền. Lãnh đạo Công đảng, Jeremy Corbyn, lặp lại tuyên bố rằng Công đảng có thể có được một thỏa thuận tốt hơn nếu họ là người đứng ra đàm phán. Nói gọn hơn, Công đảng sẽ bỏ phiếu chống lại thỏa thuận này. Thậm chí Jeremy Corbyn còn để ngỏ khả năng vận động một cuộc bỏ phiếu để đưa bà May ra khỏi phố Downing.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.
Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG

Cách làm mới hỗ trợ khởi nghiệp từ THPT

GD&TĐ - “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” là cách làm mới mà nhiều địa phương đã và đang kết hợp với cơ sở GD đại học nhằm hỗ trợ học sinh THPT khởi nghiệp...