EU bí cách trừng phạt Nga, Kiev nêu sáng kiến lạ

GD&TĐ -Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề xuất phương án đặc biệt để châu Âu trừng phạt Nga mà EU sẽ có lợi nhất.

Các đường ống khí đốt từ Nga quá cảnh Ukraine đến châu Âu.
Các đường ống khí đốt từ Nga quá cảnh Ukraine đến châu Âu.

Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mới đây đã công bố một đề xuất cho phía Liên minh châu Âu nhằm hiến kế cho vòng trừng phạt Nga tiếp theo.

Theo sáng kiến của Kiev, các trừng phạt mới của EU cần hướng tới việc thắt chặt hơn nữa các rào cản kinh tế với Nga để phục vụ cho mục tiêu tối cao là ép buộc Moscow phải nhượng bộ Ukraine. Do đó, Kiev đề xuất ngừng mọi con đường nhập khẩu khí đốt từ Nga sang châu Âu, trừ đường ống vận chuyển khí đốt quá cảnh Ukraine.

“Chấm dứt nguồn cung cấp khí đốt trực tiếp của Nga cho Liên minh châu Âu, ngoại trừ các dòng chảy trực tiếp thông qua hệ thống truyền dẫn khí đốt của Ukraine, nơi có khả năng vận chuyển dồi dào" - sáng kiến của Ukraine nêu rõ.

Phía Kiev cũng đã khuyến nghị rằng nên đóng cửa đường ống TurkStream, cung cấp khí đốt của Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ và từ đó chảy qua một số quốc gia miền Nam châu Âu.

Kế hoạch của Kiev cũng đề xuất áp dụng lệnh cấm nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng của Nga sang EU.

Kế hoạch được thực hiện bởi một nhóm chuyên gia quốc tế do người đứng đầu văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andrey Yermak và cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul thực hiện.

Trước đó, phía Kiev cũng đề xuất nhiều sáng kiến khác để châu Âu ứng phó với lệnh trừng phạt đáp trả của Nga trong việc dừng cung cấp khí đốt. Giám đốc điều hành của công ty năng lượng nhà nước Naftogaz, Aleksey Chernyshov đề nghị cho các nước châu Âu thuê cơ sở lưu trữ khí đốt để sử dụng cho mùa đông lạnh giá.

Ông này tuyên bố rằng Ukraine có cơ sở hạ tầng lưu trữ khí đốt lớn nhất châu Âu với vai trò là người trung chuyển khí đốt Nga sang EU nhiều thập kỷ. Theo ông Chernyshov, Ukraine có thể cung cấp 10 tỷ mét khối (bcm) dung lượng lưu trữ cho EU “ngay bây giờ”.

Trong khi đó, phía Nga nhiều lần chỉ trích Kiev gian lận việc trung chuyển khí đốt Nga sang châu Âu bằng cách không vận chuyển đủ lưu lượng cần thiết trong hợp đồng.

Điều này đã thúc đẩy phía Nga và công ty năng lượng các nước châu Âu gồm Đức, Pháp, Áo, Hà Lan bắt tay thực hiện đường ống Nord Stream - 2 chạy thẳng từ Nga đến Đức nhằm tránh việc vận chuyển khí đốt qua Ukraine.

Cũng trong bối cảnh Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các đường ống dẫn khí đốt của nước này đến châu Âu (Nord Stream) đã bị phá hoại khiến khả năng truyền khí đốt sang châu Âu bị hạn chế nhiều lần.

Ukraine vẫn đang có nguồn thu từ việc quá cảnh dầu thô Nga cho một số quốc gia châu Âu. Thậm chí phía Kiev còn đòi tăng phí trung chuyển 18,3%, trong khi vẫn kêu gọi châu Âu ngừng mua khí đốt và dầu thô từ Moscow.

Về phần mình, châu Âu cũng đang "loay hoay" trong việc thống nhất các biện pháp trừng phạt mới. Đã 10 vòng trừng phạt được áp đặt từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine nhưng châu Âu cũng chưa có phương án dừng lại việc gây sức ép kinh tế. Tuy nhiên, việc áp đặt trừng phạt Nga thế nào cũng là một dấu hỏi lớn.

Hầu hết các quan chức châu Âu cho rằng, những gì chưa trừng phạt đối với Nga là những vấn đề mà một hoặc nhiều quốc gia thành viên EU “không thể sống thiếu”. Do đó, các biện pháp trừng phạt có liên quan đến các lĩnh vực đó một khi được đưa ra thảo luận đều sẽ bị các thành viên EU khác phủ quyết.

Vòng trừng phạt thứ 11 được EU mô tả là "khắc phục mọi lỗ hổng trong việc thi hành các biện pháp trừng phạt trước đó".

EU đang hướng về các biện pháp cụ thể như: Hàng hóa quá cảnh Nga sẽ bị cấm, bao gồm các hàng hóa công nghệ và một số loại phương tiện vận chuyển. Gói trừng phạt mới cũng có thể tập trung vào các tàu không bật hệ thống định vị. Những tàu như vậy khó có thể xác định được hàng hóa (có thể là dầu thô hoặc khí đốt hóa lỏng..) và đích đến cuối cùng của chúng có thể là chính các quốc gia châu Âu.

Ngoài ra, danh sách 30 công ty và tổ chức của Nga cũng có thể bị đưa vào diện trừng phạt. Hiện chưa rõ danh sách này nhắm vào các công ty hoạt động trong lĩnh vực nào. Tuy nhiên, Bloomberg cho biết, các biện pháp hạn chế mới khó có thể nhắm vào tập đoàn điện hạt nhân nhà nước Rosatom của Nga.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.