Bất đồng lớn về sắc tộc
Sự thấu hiểu giữa các dân tộc là điều vô cùng hiếm hoi ở một quốc gia như Ethiopia, nơi bạo lực xảy ra thường xuyên. Mặc dù trước đó, Thủ tướng Abiy Ahmed đã cam kết sẽ khiến đất nước ổn định hơn, nhưng căng thẳng vẫn còn tồn tại ở nhiều khu vực và chắc chắn hệ thống giáo dục (GD) sẽ là nơi mà sự bất đồng đó được thể hiện.
Trường ĐH Wolkite đã phải đối mặt với nhiều khó khăn khi luôn có xung đột sắc tộc giữa các SV, kể từ 6 năm trước - những ngày đầu ngôi trường được thành lập. Tổ chức GD này là nơi thu hút người học từ khắp nơi trên cả nước, với mức phí trung bình là 12.000 birr (khoảng 400 USD)/năm, bao gồm cả học phí và các chi phí sinh hoạt tại trường. Với hơn 80 nhóm dân tộc và ngôn ngữ được sử dụng tại Ethiopia, để gần 15.000 SV trong trường thấu hiểu nhau và tìm thấy điểm chung là cả một vấn đề lớn.
Ông Asteway Mellese - một giảng viên (GV) có 4 năm giảng dạy tại ĐH Wolkite cho biết: “Trường chúng tôi thường xuyên xảy ra xung đột giữa các SV. Ví dụ, nếu hai SV nam từ hai dân tộc đánh nhau vì một nữ sinh, vấn đề sẽ trở thành một cuộc xung đột sắc tộc và ngày hôm sau, toàn trường sẽ xảy ra một cuộc chiến tập thể. Thậm chí, SV sẵn sàng đốt cháy các tòa nhà trong trường, gây nên sự hỗn loạn trong khuôn viên trường. Ngay cả khi chơi bóng đá, có thể chỉ là một mâu thuẫn nhỏ, nhưng nếu các thành viên đến từ các nhóm dân tộc khác nhau, xích mích đó sẽ trở thành một cuộc chiến dân tộc”.
Ngoài ra, bất đồng ngôn ngữ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến xung đột sắc tộc giữa các SV. Theo luật hiện hành của Ethiopia, các trường ĐH phải “công bằng” bằng cách sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy, tuy nhiên nhiều GV không hề thông thạo tiếng Anh và thậm chí sẽ giảng bài bằng ngôn ngữ Amhara của Ethiopia. Năm ngoái, hàng loạt sinh viên dân tộc Oromo trong trường đã biểu tình và yêu cầu được dạy bằng tiếng Oromo. “Họ ném đá vào cửa sổ, đe dọa bạo lực đối với các GV. Thậm chí, các SV này đã có ý định phóng hỏa trường học. Những người này đã ngừng học trong suốt hai tuần”, ông Mellese chia sẻ.
Vấn đề ngày càng trở nên nghiêm trọng tới mức, các SV không cùng một dân tộc sẽ không đồng ý ở chung một ký túc xá. “Chúng tôi không thể để họ ở chung nữa, bởi vì họ sẽ bất chấp tất cả và thậm chí là giết nhau. Ngoài ra, họ cũng không muốn sử dụng ngôn ngữ chung và chỉ muốn nói ngôn ngữ của dân tộc mình, vì họ cho rằng tiếng nói của dân tộc họ mới là tuyệt vời nhất”, GV Mellese cho biết.
Cũng theo vị GV này, niềm tin về sự vượt trội của các SV bắt nguồn từ phát biểu của chính phủ Ethiopia: “Dân tộc của bạn đặc biệt và những nhóm người còn lại thì không”. Kể từ năm 1995, quyền sở hữu đất đai và đại diện chính trị đã gắn liền với bản sắc dân tộc, thay vì với tư cách là công dân Ethiopia.
Hàn gắn nhờ sân khấu kịch
Để giải quyết những vấn đề này, GV Asteway Mellese đã thành lập một khóa học sân khấu, nhằm thúc đẩy nghiên cứu về người bản địa và biểu diễn bản sắc dân tộc, với mong muốn nâng cao hiểu biết và sự tôn trọng của SV với các nền văn hóa.
Theo đó, SV được yêu cầu dành ra hai tuần nghiên cứu thực địa về một nhóm dân tộc cụ thể. Từ đó, người học sẽ được tiếp xúc với nền ẩm thực, văn hóa, ngôn ngữ và các vấn đề đặc biệt của nơi mà họ chọn. “SV sẽ cảm thấy vô cùng thú vị khi được hiểu rõ hơn về cách sống và sinh hoạt của các dân tộc khác”, GV Mellese giải thích. Bên cạnh đó, nghiên cứu này sẽ là tiền đề để SV có thể tạo ra một vở kịch và biểu diễn trước toàn trường. Một số vở kịch xuất sắc sẽ được chọn để diễn tại Liên hoan sân khấu quốc gia và phát sóng trên truyền hình toàn quốc.
Yitbarek Alebachew, SV năm thứ hai người Awassa, cho biết đã dành hai tuần để nghiên cứu văn hóa Gurage. “Cách sống của người bản địa đã phản ánh tinh thần quốc gia và cộng đồng, thông qua những điệu múa và bài hát dân gian. Tôi được học văn hóa Gurage và điều này đã truyền cảm hứng cho các nhân vật trong vở kịch tôi mới viết - một câu chuyện về tình yêu”, nam sinh Alebachew cho biết.
Chia sẻ với truyền thông, Alebachew cho rằng, sân khấu là nơi mang đến cho mọi người vốn hiểu biết sâu sắc hơn: “Đây là một loại hình học tập vô cùng hiệu quả. Chúng tôi được học hỏi thông qua sự hài hước và những màn biểu diễn. Điều này tuyệt hơn nhiều so với các bài thuyết trình trên PowerPoint hoặc học trên sách vở”.
Ông Abule Debebe - GV về kịch và phát thanh tại ĐH Wolkite, cũng bày tỏ: “Yitbarek Alebachew biết về văn hóa của người Sidama, nhưng qua màn trình diễn, cậu ấy còn hiểu hơn về người Gurage. Khi Alebachew biểu diễn, văn hóa của dân tộc khác cũng trở thành văn hóa của cậu ấy”.
GV Mellese và Debebe khẳng định nhận thấy sự thay đổi giữa các SV sau khóa học. “Sau khi tham gia khóa học, các SV đã có sự tôn trọng lẫn nhau hơn trước”, GV Debebe chia sẻ. Nhờ thành công này, giáo trình về khóa học sân khấu của ĐH Wolkite đã được ba trường ĐH khác ở Ethiopia áp dụng.
Tuy nhiên, trên khắp Ethiopia, xung đột vẫn đang diễn ra từng ngày, khiến hàng triệu người rơi vào cảnh khốn khổ. Vì thế, GV Debebe nhấn mạnh, điều quan trọng là, chính phủ cần hiểu rõ sức mạnh của văn hóa và dùng loại hình này để gây dựng mối quan hệ dân tộc.