Tôi biết vì cô chủ nhiệm báo lại là em đã vắng hai lần, lần nào em cũng “sáng tác” ra lý do để nghỉ. Lần này chắc “hết bài” nên K. bị ghi vào sổ trực là vắng chào cờ không lý do.
Cuối tuần, trong giờ sinh hoạt lớp, tôi yêu cầu cô chủ nhiệm bắt em K. phải viết bản tường trình nêu rõ lý do vì sao vắng chào cờ nhiều lần và tự nhận hình thức kỷ luật.
Trưa hôm đó, tôi nhận được bản tường trình của em K. và đọc qua để nắm nội dung sự việc.
Sau khi trình bày xong một số lý do, em viết tiếp: “Em không ra sân chào cờ không phải là em không yêu quốc kỳ, là không yêu nước. Em biết như vậy là vi phạm nội quy. Nhưng em vẫn nhẩm hát quốc ca khi lá cờ từ từ được kéo lên.
Những buổi chào cờ trước, em và các bạn cả trường đều hát quốc ca trong lúc một số thầy cô dự không hát. Như vậy là không công bằng.
Hơn nữa, giờ sinh hoạt đầu tuần còn nhàm chán. Lúc nào cũng theo công thức: Đoàn trường nhận xét, tiếp theo là thầy Hiệu trưởng dặn dò và cuối cùng là Đoàn trường nêu kế hoạch tuần tới. Như vậy giờ chào cờ đâu phải để dành riêng cho các em?”.
Quả đúng như vậy! Mấy năm nay cứ làm theo lối mòn, không đổi mới để giờ sinh hoạt dưới cờ trở nên sinh động.
Tôi mang ý kiến của em K. báo lại cùng Ban giám hiệu, Đoàn trường tham khảo. Thầy Hiệu trưởng rất “chịu” đổi mới và chỉ đạo cho bộ phận liên quan phải nghiên cứu, đổi mới giờ sinh hoạt dưới cờ đầu tuần.
Từ đó, mỗi tuần đều có một chủ đề như “An toàn giao thông” (mời cán bộ bên cảnh sát giao thông qua sinh hoạt về an toàn khi tham gia giao thông); về học tập và làm theo di chúc của Bác; về kinh nghiệm học giỏi bộ môn (do học sinh giỏi trình bày); các lớp tiếng Anh, tiếng Pháp thì làm tiểu phẩm, đóng vai khách tới tham quan trường và học sinh giới thiệu bằng tiếng Anh, tiếng Pháp.
Gần tới kỳ thi đại học, trường mời các bác sĩ, các giám đốc làm ăn thành đạt đến chia sẻ kinh nghiệm về học, về chọn ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân...
Những câu hỏi nêu ra, những lời giải đáp hóm hỉnh, thông minh đã làm dậy lên những tràng pháo tay không ngớt...
Giờ sinh hoạt dước cờ đầu tuần dần trở nên hấp dẫn, không còn nỗi ám ảnh của việc khen chê mà trở thành “sân chơi” thật sự hấp dẫn, sinh động của chính chủ thể là các em học sinh.
Trước những lời góp ý của học sinh, dù ở mức độ nào, chúng ta đều phải rộng lòng tiếp nhận. Không vì sĩ diện, tự ái cá nhân mà bỏ qua những góp ý chân thành, thẳng thắn...