El Salvador: Vận mệnh và tiền ảo

GD&TĐ - Từ ngày 7/9, El Salvador trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận Bitcoin là tiền tệ hợp pháp chính thức.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Các cơ quan kinh tế phải chấp nhận Bitcoin cùng với USD là phương tiện thanh toán.

Tổng thống Nayib Bukele cho biết, quyết định mới giúp người El Salvador sống ở nước ngoài dễ dàng gửi kiều hối về và tiết kiệm hàng triệu USD phí chuyển đổi. Ước tính năm 2020, người Salvador sống tại nước ngoài, chủ yếu tại Mỹ, gửi về nước gần 6 tỷ USD, tương đương 23% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước. Khi công nhận Bitcoin, người dân có thể tiết kiệm 400 triệu USD phí chuyển đổi hàng năm.

Ngoài ra, chính phủ El Salvador mong muốn biện pháp mới có thể thúc đẩy nền kinh tế, hạn chế phụ thuộc vào đồng USD.

Tối ngày 6/9, Tổng thống Bukele tiết lộ El Salvador đã mua 400 Bitcoin, khiến giá tiền mã hóa toàn cầu tăng 1,49%, đạt mức 52.680 USD mỗi đồng. Trước những động thái quyết liệt của chính phủ El Salvador, giá trị đồng Bitcoin được dự đoán tăng lên 56.000 USD.

Dù El Salvador thông báo kế hoạch sử dụng Bitcoin từ 3 tháng trước, người dân quốc gia này vẫn hoài nghi về hiệu quả của nó. Có rất nhiều lý do khiến người dân ngần ngại trước đồng tiền mới.

El Salvador chủ yếu sử dụng tiền mặt. Khoảng 70% người dân không có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng nên đa phần không có đầy đủ kiến thức về Bitcoin nói riêng và tiền mã hóa nói chung.

Theo tờ Reuters, Trường Đại học Trung Mỹ đã thực hiện cuộc khảo sát ý kiến người dân về Bitcoin vào tháng 8. Trong gần 1.300 người được hỏi, khoảng 67,9% không tán thành hoặc phản đối quyết định của chính phủ.

Chỉ 32% đồng ý nhưng không hoàn toàn hài lòng. Họ cho rằng, lý do giúp tiết kiệm phí chuyển đổi USD là không thuyết phục vì dữ liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy khoản phí này tại El Salvador đã thuộc mức thấp nhất thế giới.

Cuối tuần qua, hàng trăm người El Salvador đã xuống đường phản đối kế hoạch của chính phủ. Những tấm biển có nội dung: “Bukele, chúng tôi không muốn Bitcoin”, “Không đồng tình với rửa tiền, tham nhũng” tràn ngập đường phố.

Với người dân, Bitcoin chỉ tốt cho giới nhà giàu, nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp và chính phủ, cũng là tiền đề cho nạn tham nhũng. Có thể nói, đây là tình huống bất đồng lớn nhất từng xảy ra giữa người dân và chính phủ El Salvador.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá nhà nước chưa có biện pháp kiểm soát hoặc ổn định giá tiền mã hóa, từ đó có thể gián tiếp tiếp tay cho các hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố hoặc vi phạm quy định tài chính.

Nếu có thể nộp thuế bằng Bitcoin sẽ thu hút dòng tiền này từ nước ngoài đổ về El Salvador, làm tăng rủi ro từ các hoạt động bất hợp pháp thông qua hệ thống tài chính quốc gia.

Bên cạnh những ý kiến trái chiều, số ít người dân, chủ yếu những người nắm giữ Bitcoin, bày tỏ ủng hộ trước kế hoạch mới.

Thách thức không chỉ đến với El Salvador. Bitcoin cũng đang trải qua cuộc thử nghiệm lớn nhất trong lịch sử 12 năm khi được một quốc gia chấp nhận hợp pháp. Những nhà đầu tư khắp thế giới đang tập trung sự chú ý vào kế hoạch lưu hành mới. Liệu Bitcoin có thể mang lại lợi ích nào cho quốc gia Trung Mỹ đầy bất ổn này?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG

Cách làm mới hỗ trợ khởi nghiệp từ THPT

GD&TĐ - “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” là cách làm mới mà nhiều địa phương đã và đang kết hợp với cơ sở GD đại học nhằm hỗ trợ học sinh THPT khởi nghiệp...
Ảnh minh họa.

Cân nhắc khi học trung cấp y

GD&TĐ - Bộ Y tế thông báo không cấp giấy phép hành nghề đối với y sĩ trình độ trung cấp sau ngày 31/12/2026.
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Võ Trường Toản (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Ảnh NTCC

Hiểu đúng về giai đoạn tiền Tiểu học

GD&TĐ - Nhiều gia đình tìm các lớp học tiền tiểu học nhằm học trước kiến thức mà quên việc quan trọng là trang bị tâm thế, kỹ năng để bắt nhịp với cấp học mới.
Thực phẩm chống đột quỵ giả được bày bán trong cửa hàng nằm bên trong siêu thị Coopmart Thanh Hóa.

Ai chịu trách nhiệm?

GD&TĐ - Công an TP Thanh Hóa vừa phát hiện bắt giữ nhiều sản phẩm là thuốc chống đột quỵ giả bày bán trong siêu thị Coopmart Thanh Hóa.