(GD&TĐ) - Theo các nguồn tin, Edward Snowden - cựu nhân viên CIA, người đang bị chính quyền Mỹ truy nã gắt gao đã rời Hongkong vào sáng chủ nhật (23/6) trên chuyến bay của hãng hàng không Nga “Aeroflot” và đến sân bay “Sherementyavo” Moskva vào 17h (giờ Moskva) cùng ngày. Nhiều khả năng Edward Snowden không vượt qua biên giới vào Nga mà chỉ quá cảnh qua Moskva sang Habana và điểm dừng chân cuối cùng của “kẻ phản bội” là Venezuela. Tuy nhiên, thông tin mới nhất cho biết, Edward Snowden sẽ đến Ecuador, nơi Julian Assange - nhà sáng lập Wikileaks đang tị nạn.
Xe của Đại sứ quán Ecuador tại sân bay “Sheremetyevo” (Moskva - Nga) |
Ngày 23/6, nguồn tin từ hãng hàng không Nga “Aeroflot” xác nhận: Hành khách có tên Edward Snowden đã bay đến Moskva trên chuyến bay SU213 và ngày 24/6 hành khách này sẽ bay đến Cuba trên chuyến bay SU150. Cũng theo nguồn tin này, Edward Snowden không có visa vào Nga, ông ấy sẽ ở phòng “transit” và bay thẳng sang Cuba.
Theo nguồn tin từ hãng thông tấn Itar - TASS, Edward Snowden sẽ bay từ Habana đến Caracas ngay trong ngày 24/6. Vào thời điểm hiện tại, Edward Snowden chưa có yêu cầu xin tị nạn chính trị ở Nga mặc cho trên Twitter của mình, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga Alexei Pushkov cho rằng, việc chấp nhận cho Edward Snowden tị nạn chính trị ở Nga “không phải là hành động của thời chiến tranh lạnh”.
Phát ngôn viên của Tổng thống Nga V.Putin - ông D.Peskov tuyên bố rằng ông không hay biết về sự hiện diện của cựu nhân viên CIA. “Tôi không hề biết. Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy điều này” - D.Peskov nói với AFP. Tuy nhiên, khi trả lời phỏng vấn “Dịch vụ tin tức Nga”, Tổng biên tập tạp chí “Nước Nga trong chính sách toàn cầu” Fedor Lukyanov khẳng định, Moskva không chỉ biết kế hoạch của Edward Snowden mà còn mời ông ấy quá cảnh qua Nga.
Lukyanov cho rằng, đây là một bước đi “trên tinh thần chiến tranh lạnh”. Nhà hoạt động nhân quyền Nga và là người đứng đầu nhóm Moskva - Helsinki Lyudmila Alexeeva cho rằng Moskva có thể cho phép Edward Snowden tị nạn chính trị. “Giữa chúng tôi và Mỹ không có hiệp ước dẫn độ. Nếu Snowden quyết định đến đất nước không mấy mặn mà chào đón của chúng tôi thì cần phải xem xét…” - Lyudmila Alexeeva nói với “Interfax”.
Tuy nhiên, hành trình của Edward Snowden có thay đổi. Đến Moskva, Edward Snowden lưu lại nhà ga F của sân bay “Sheremetyevo” để chờ chuyến bay đến Habana. Tại Moskva, cựu nhân viên CIA có cuộc gặp gỡ với Đại sứ Ecuador Patricio Chavez ở Nga và toàn bộ giấy tờ liên quan đến việc tị nạn của ông được trao ở đây.
Theo Newsru.com, hai chiếc xe mang biển số Đại sứ quán và cờ Ecuador đã đến sân bay “Sheremetyevo” ngay sau khi máy bay từ Hongkong hạ cánh.
Khi máy bay chở Edward Snowden còn chưa hạ cánh xuống Moskva đã rộ lên tin đồn rằng Nga có thể bắt giữ Edward Snowden để đổi lấy trùm lái súng V.Bout - người bị bắt giữ tại Thái Lan mấy năm trước và đang bị giam giữ ở Mỹ. Theo nhiều nguồn tin thì 51 tài liệu mật mà Edward Snowden vừa cung cấp chỉ là phần nhỏ trong số tài liệu mà ông có được. Điều hiển nhiên là Nga cũng khát khao có được những thông tin này.
Nhà Trắng chờ đợi Moskva nghiên cứu kỹ mọi khả năng để trao trả Edward Snowden cho họ - Hãng Reuters trích lời người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Catlin Hayden.
Theo lời Thượng nghị sĩ Chuck Schumer thì Tổng thống Nga V.Putin chấp nhận để Edward Snowden quá cảnh Moskva là “chọc một ngón tay vào mắt người Mỹ”. Cũng theo lời ông Chuck Schumer thì lãnh đạo Nga không chịu hợp tác với Mỹ từ chuyện Syria, Iran và bây giờ là cuộc chạy trốn của Snowden. Ông Chuck Schumer cho rằng, việc này sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng đối với quan hệ Nga - Mỹ.
Về phần mình, Moskva tuyên bố không hay biết gì về kế hoạch của Edward Snowden, còn Hongkong cho rằng Edward Snowden rời lãnh thổ của họ theo nguyện vọng của ông ấy và Hongkong không có cơ sở pháp lý để bắt giữ cựu nhân viên tình báo CIA.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu chính quyền Ecuador, Cuba, Venezuela không tiếp nhận Snowden. Washington đã huỷ hộ chiếu của Edward Snowden từ hôm thứ bảy (22/6), tuy nhiên, mọi việc vẫn diễn ra “ngoài tầm tay” của Mỹ. Sự thật thì Edward Snowden không có tên trong danh sách truy nã của Interpol, không có những hành vi bất hợp pháp ở Moskva nên việc bắt giữ là không thể - Đại diện của cơ quan thực thi pháp luật giải thích với Itar - TASS. Như vậy, Edward Snowden có thể dễ dàng đến Mỹ - Latinh kể cả không có hộ chiếu Mỹ.
Theo nhiều nguồn tin, đi cùng Edward Snowden từ Hongkong đến Moskva là trợ lý của Julian Assange, ông Sarah Harrison. Trước đó, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Mỹ - Latinh “Telesur”, Ngoại trưởng Ecuador Ricardo Patino, người đang có chuyến công du Việt Nam khẳng định rằng yêu cầu xin tị nạn chính trị của Snowden tại Ecuador sẽ được xem xét trong thời gian ngắn nhất như trường hợp của người sáng lập Wikileaks Julian Assange.
Lịch trình cuộc chạy trốn của Edwar Snowden được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuy nhiên, chuyến bay SU 150 Moskva-Habana cất cánh vào 14h05 (giờ Moskva) không có Edwar Snowden. Ghế 17a và 17c trên boong lẽ ra thuộc về Snowden và Sarah Harrison trống không. Cánh nhà báo và hành khách hiếu kỳ ra sức tìm kiếm Snowden nhưng không thấy.
Vậy Edwar Snowden đi đâu?
Theo các nhà phân tích, tại phòng “transit” Edwar Snowden có thể “tá túc” thêm ít ngày và có thể đi bằng chuyến bay khác đến Habana. Vậy là cánh báo chí khó có cơ hội chứng kiến chuyến bay của “kẻ phản bội”.
Nhưng Edwar Snowden có chắc đến Ecuador như giới truyền thông đưa tin? Có lẽ phải chờ thời gian mới có câu trả lời chính xác.
Duy Long (TH)