Edwar Snowden và "nụ cười khẩy" của hai siêu cường

Edwar Snowden và "nụ cười khẩy" của hai siêu cường

(GD&TĐ) - Những ngày qua, cái tên Edwar Snowden bỗng trở thành nổi tiếng trên toàn thế giới. Một thanh niên nhỏ nhắn với gương mặt hiền lành, tao nhã bỗng trở thành tâm điểm của các cuộc tranh cãi “vô tiền thoáng hậu” giữa các siêu cường. Với báo giới thì khỏi phải nói, hành khách trên chuyến bay SU150 Moskva -Habana cất cánh vào 14h05 ngày 24/6 (giờ Moskva) té ra đa phần là cánh phóng viên. Ngoài cái thú được bay cùng “kẻ chạy trốn vĩ đại”, một bài phỏng vấn trực tiếp Edwar Snowden trên máy bay là mơ ước của bất cứ người làm báo nào. Tuy nhiên, ghế 17a lẽ ra thuộc về Edwar Snowden đã để trống. “Kẻ phản bội” đang ở đâu và tương lai của anh ta sẽ ra sao?

Cuộc chạy trốn của Edwar Snowden - phép thử trong quan hệ Nga - Mỹ
Cuộc chạy trốn của Edwar Snowden - phép thử trong quan hệ Nga - Mỹ

Edwar Snowden đang ở Moskva

Đó là khẳng định của Tổng thống Nga V.Putin trong buổi họp báo chiều thứ ba (25/6) cùng Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto ở Helsingki. “Ông Snowden đã đến Moskva. Đối với chúng tôi, đó là hoàn toàn bất ngờ. Ông ấy đến như một hành khách quá cảnh, không cần visa hay bất cứ tài liệu nào khác, ông ấy có quyền mua vé và bay đến bất cứ nơi đâu ông ấy muốn. Đương nhiên, ông ấy ở phòng “transit” từ đó đến nay”- Hãng Ria-Novosti trích lời V.Putin.

Tổng thống Nga cho rằng Edwar Snowden hoàn toàn không phải là vị khách mong muốn đối với Moskva. “Ông Snowden là con người tự do. Ông ấy chọn điểm đến cuối cùng càng nhanh chóng càng tốt cho cả chúng tôi và ông ấy”- V.Putin khẳng định.

Tổng thống Nga cho rằng không nên tính đến việc hỗ trợ của Moskva đối với Washington bằng cách bắt giữ Snowden và dẫn độ về Mỹ. Assange và Snowden cho rằng họ là những nhà hoạt động nhân quyền đang đấu tranh vì phổ biến thông tin. Hãy tự hỏi mình xem có nên đưa những con người ấy vào tù? - V.Putin suy tư. Và ông V.Putin ví việc làm ầm ĩ chuyện này chẳng khác gì “cạo lông một con lợn, tiếng kêu thét thì inh ỏi nhưng lông chẳng được là bao”. V.Putin cho rằng, mọi cáo buộc chống lại Nga xung quanh việc chạy trốn của Edwar Snowden là vô nghĩa.

Tuy nhiên, Ria-Novosti trích nguồn tin từ lực lượng an ninh Nga khẳng định: “Đối với cơ quan an ninh của bất cứ nước nào, Edwar Snowden là nhân vật hết sức thú vị. Ông ấy làm việc cho CIA và ông ấy có thể sở hữu lượng thông tin mật rất lớn”. Có thể vì thế mà “kẻ phản bội” đang còn “tá túc” tại Moskva?

Báo chí phương Tây qua vụ chạy trốn của Snowden

Báo giới phương Tây cho rằng “trò chơi ú tim” của Edwar Snowden đã sỉ nhục Barack Obama. Báo The Wall Street Journal nhắc lại lời Barack Obama trong cuộc tranh luận vào năm 2008 rằng “Là Tổng thống, tôi sẽ khôi phục vị thế của nước Mỹ trên toàn thế giới”.

Tuy nhiên, khi Washington yêu cầu Hongkong bắt giữ và dẫn độ Snowden về Mỹ thì Hongkong lại cho phép Snowden đến Moskva vào chủ nhật. Sang ngày thứ hai, khi Ngoại trưởng John Kerry yêu cầu Nga dẫn độ Snowden về Mỹ thì người Nga cho rằng không có cơ sở pháp lý để bắt giữ Snowden. The Wall Street Journal viết: “Điện Kremlin không tuyên bố công khai. Rất có thể FSB đã thẩm vấn Snowden và thu thập những dữ liệu nhạy cảm của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ mà anh ta mang theo”. Và The Wall Street Journal khẳng định ảnh hưởng của chính quyền Barack Obama đối với nước ngoài đã “cạn kiệt”. Bình luận viên Uwe Schmitt trên tờ Die Welt (Đức) cho rằng vụ đào tẩu của Edwar Snowden chứng tỏ sự bất lực của Mỹ.

Bình luận về việc Edwar Snowden là hành khách quá cảnh, có thể đi khỏi Moskva bất cứ lúc nào, truyền thông phương Tây khẳng định Cơ quan An ninh Nga (FSB) không thể cho Edwar Snowden ra đi đơn giản như vậy. Matthew Rojansky thuộc Trung tâm Carnegie nhận định: Snowden mang theo 4 máy tính sách tay có ổ đĩa flash với nhiều dữ liệu và chỉ có những kẻ ngu ngốc mới lên máy bay để xem ông ấy bay đến Cuba như thế nào. Theo Matthew Rojansky, việc Nga hỗ trợ cho Snowden chạy trốn hoàn toàn phù hợp với tâm lý của V.Putin - người duy nhất theo đuổi chính sách độc lập với Washington. Tóm lại, cả những nước lớn và nước nhỏ như Cuba, Ecuador… đều “cười khẩy” trước yêu cầu của Mỹ.

Tương lai Edwar Snowden sẽ ra sao?

Đại diện của trang web gây tranh cãi Wikileaks tin rằng Edwar Snowden có thể ở lại Nga mãi mãi. Theo họ, có 2 nguyên nhân dẫn đến chuyện này: Thứ nhất, hộ chiếu của Edwar Snowden đã bị hủy; thứ hai, do phản ứng quyết liệt của chính quyền Mỹ.

Trên Ria-Novosti, bình luận viên Mikhail Rostovsky khẳng định: “Tôi quá hiểu tại sao chính quyền Nga có cái nhìn tích cực trong việc cung cấp quy chế tị nạn chính trị cho Edwar Snowden ở nước ta. Washington thích rao giảng cho Moskva trong bất cứ trường hợp nào. Không nên bỏ lỡ có hội chỉ cho các quan chức Mỹ  về đạo đức giả của họ…”.

Bình luận viên Vadim Dubnov của Ria-Novosti cho rằng Edwar Snowden đang ở Moskva và danh tiếng của ông đang mang một màu sắc mới. Cuộc chơi mà Snowden tham gia không có quy tắc nào chứng tỏ ông là người chiến thắng. Có lẽ Snowden nghĩ rằng việc phải trú ngụ ở Đại sứ quán Ecuador của Assange là không có gì đáng sợ. Chính vì vậy, Snowden đã tiết lộ thông tin của tình báo Mỹ. Edwar Snowden sẽ đi đâu? Đến giờ phút này tất cả vẫn còn là dự đoán, là kế hoạch. Dù có thông tin rằng Edwar Snowden đã nhận được quy chế tị nạn chính trị tại Ecuador, nhưng chắc gì ông sẽ đến Ecuador?

Còn nếu trở về Mỹ, chắn chắn Edwar Snowden sẽ phải nhận bản án không dưới 30 năm tù giam. Cuộc chạy trốn của Edwar Snowden được báo giới đánh giá như một “thiên sử thi” làm rúng động cả thế giới. Trước hết, Nga và Trung Quốc chắc chắn là những kẻ hưởng lợi từ cuộc chạy chốn đầy thi vị này. Bắc Kinh có cớ để cười khẩy trước những cáo buộc tin tặc mà Washington quy kết cho họ, còn cựu điệp viên V.Putin chắc chẳng vô tư đến mức chỉ coi Edwar Snowden như một “hành khách quá cảnh” ở Moskva. Chỉ có Washington là đang gặm nhấm nỗi đau thất bại trên mặt trận an ninh và bất lực trong cuộc chiến ngoại giao với các đối thủ.

            Duy Long (TH)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.