Tuổi thơ dữ dội
Trong 3 năm khói lửa ở Sarajevo, đã có gần 14 nghìn người chết, trong đó có hơn 5 nghìn dân thường. Gia đình Dzeko sống ở giữa cuộc chiến nhưng may mắn sống sót. Những tháng ngày đau khổ này đã có tác động lớn tới những đứa trẻ như Dzeko khi ấy. Họ sợ hãi nhưng lớn lên một cách đầy bản lĩnh.
“Cuộc sống của chúng tôi khi đó chìm đắm trong khói lửa chiến tranh. Đó là trải nghiệm đáng sợ khi thành phố Sarajevo bị bao vây mỗi ngày. Tất cả mọi người đều gặp khó khăn. Họ không đủ ăn 3 bữa mỗi ngày. Chúng tôi luôn phải lẩn trốn trong tiếng súng nổ, bom rơi. Bạn có thể chết bất cứ lúc nào. Tôi đã khóc rất nhiều trong những ngày tháng sợ hãi đó. Cảm ơn Chúa vì cuộc chiến đã lùi vào quá khứ”, Edin Dzeko nói về tuổi thơ đau buồn.
Chơi bóng ở thời điểm đó quả là điều xa xỉ. Mẹ của Dzeko, bà Belma phải cấm cậu con trai của mình ra ngoài đá bóng vì quá nguy hiểm. Tuy nhiên, điều đó không thể cản cậu bé nuôi dưỡng ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá. Như thừa nhận của Dzeko, anh không dám mơ trở nên nổi tiếng như ngày nay nhưng lúc đó, bóng đá có thể giúp anh và những đứa trẻ thoát khỏi nỗi sợ hãi.
Sau khi kết thúc chiến tranh, Dzeko đã theo đuổi niềm đam mê của mình với CLB đầu tiên là Zeljeznicar Sarajevo. Dzeko sở hữu chiều cao ấn tượng nhưng anh vụng về và thiếu linh hoạt trong vai trò tiền vệ. Để thành công, Dzeko phải thay đổi vị trí và môi trường thi đấu. Vào năm 2005, anh đã quyết định tới Cộng hòa Séc thi đấu cho CLB Teplice với mức giá 25 nghìn euro.
Ở Teplice, Dzeko đã rèn giũa được kĩ năng đánh đầu và sau này trở thành vũ khí lợi hại ở các tình huống không chiến. Đây cũng chính là điểm tựa giúp tiền đạo người Bosnia trở thành mục tiêu được nhiều CLB lớn để ý. Vào mùa hè năm 2008, CLB Wolfsburg (Đức) đã quyết định chi 4 triệu euro chiêu mộ Dzeko.
Dzeko không mất nhiều thời gian để khẳng định tên tuổi ở Đức. Chỉ sau 11 trận đầu tiên khoác áo Wolfsburg, tiền đạo người Bosnia đã ghi 5 bàn và đóng góp 3 kiến tạo. Nhưng ở mùa giải sau đó (2008 - 2009), Dzeko mới thực sự bùng nổ khi ghi tới 36 bàn thắng trên mọi đấu trường. Đây chính là chất liệu quan trọng giúp Wolfsburg giành chức vô địch Bundesliga lịch sử. Ở mùa giải sau đó (2009 - 2010), anh tiếp tục ghi dấu ấn với danh hiệu Vua phá lưới Bundesliga (22 bàn).
85 bàn thắng trong 3 mùa rưỡi khoác áo Wolfsburg đã đưa Dzeko tới Man City vào tháng 1/2011. Khi đó, anh khiến đội bóng của Mancini phải chi 27 triệu bảng. Tới Etihad (sân bóng của Man City), Dzeko chịu áp lực rất lớn bởi anh phải cạnh tranh vị trí với nhiều ngôi sao lớn như Tevez, Balotelli hay Aguero. Tuy nhiên, tiền đạo người Bosnia vẫn tìm ra khoảng trống để thể hiện giá trị của mình.
Niềm tự hào của người Bosnia
Ở Man City, Dzeko mang biệt danh “siêu dự bị” vì anh đã ghi rất nhiều bàn thắng quan trọng khi vào sân thay người. Khoảnh khắc đáng nhớ nhất của tiền đạo người Bosnia ở Etihad chính là cú đánh đầu gỡ hòa 2-2 cho Man City ở trận hạ màn Premier League mùa 2011 - 2012 gặp Queens Park Rangers (QPR). Nhờ bàn thắng vô cùng quan trọng ở phút bù giờ này, Man City đã lội ngược dòng thắng 3-2 và lên ngôi vô địch một cách siêu kịch tính. Đây là chức vô địch của Man City sau 44 năm chờ đợi.
Sau này, khi chuyển sang Serie A khoác áo Roma, Dzeko vẫn thể hiện khả năng săn bàn đáng sợ. Ở mùa giải 2016 - 2017, anh thậm chí còn giành danh hiệu Vua phá lưới với 29 bàn thắng. Thủ thành Asmir Begovic nói về người đồng đội ở đội tuyển Bosnia của mình rằng: “Cậu ta xứng đáng là 1 trong 3 trung phong xuất sắc nhất thế giới cùng với Lewandowski và Falcao”.
Thành công trên sân cỏ đã biến Edin Dzeko trở thành người có tầm ảnh hưởng rất lớn ở Bosnia. Dễ hiểu thôi bởi Bosnia là quốc gia rất đam mê bóng đá. Từ lâu, người Bosnia đã nuôi tham vọng vực dậy nền bóng đá vốn từng rất hùng mạnh từ thời Liên bang Nam Tư. Dzeko chính là hạt nhân và là ngôi sao quan trọng nhất giúp Bosnia khẳng định tên tuổi trên bản đồ bóng đá châu Âu.
Người hâm mộ Bosnia không thể quên ngày 2/6/2007 bởi đó là trận ra mắt ĐTQG của Edin Dzeko. Tiền đạo này lập tức gây ấn tượng mạnh với cú vô-lê gỡ hòa 2-2 vào lưới Thổ Nhĩ Kỳ. Và ở trận đấu đó, Bosnia giành chiến thắng với tỉ số 3-2. Hai năm sau đó, với bàn thắng rất đáng nhớ vào lưới đội tuyển Bỉ ở Genk, Dzeko đã được một bình luận viên thể thao Bosnia, Marjan Mijajlovic gọi là “Viên ngọc của Bosnia”.
Ở Ai Cập, Mohamed Salah được ví như “đấng cứu thế” vì giúp đội tuyển quốc gia nước này giành vé dự VCK World Cup 2018. Ở Bosnia, Dzeko cũng có vị thế tương tự. Ở vòng loại World Cup 2010, cựu tiền đạo Man City đã ghi tới 9 bàn, giúp Bosnia về đích thứ 2 trong bảng đấu có sự góp mặt của Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ, Estonia và Armenia. Tiếc rằng ở vòng tranh vé vớt, Bosnia lại để thua Bồ Đào Nha.
4 năm sau, Dzeko đã làm được điều mà người hâm mộ bóng đá Bosnia mong đợi. Anh ghi 10 bàn thắng ở vòng loại World Cup 2014, góp công lớn cùng đội tuyển Bosnia giành ngôi đầu bảng G vòng loại khu vực châu Âu và đoạt vé tới Brazil. Đây cũng là giải đấu lớn đầu tiên Bosnia tham dự kể từ khi tách khỏi Liên bang Nam Tư. Cho đến hiện tại, Dzeko vẫn là chân sút xuất sắc nhất lịch sử đội tuyển Bosnia với 58 bàn thắng. Anh xứng đáng trở thành niềm tự hào và kiêu hãnh của người dân Bosnia.
Cuộc chiến giành độc lập của Bosnia bắt đầu từ năm 1992 và kéo dài tới năm 1995. Đó là một trong những giai đoạn kinh hoàng nhất lịch sử vùng Balkan khi người Serbia và Croatia chiến đấu vì sắc tộc. Sarajevo, thủ đô của Bosnia & Herzegovina là một trong những nơi chịu ảnh hưởng lớn nhất của cuộc chiến. Đó cũng là nơi sinh ra của cậu bé có tên Edin Dzeko.