Duy trì mức sinh thấp hợp lý càng lâu càng tốt

GD&TĐ - Đó là quan điểm của bác sỹ Mai Xuân Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục (Tổng cục Dân số - KHHGĐ - Bộ Y tế) khi trao đổi sẻ với báo Giáo dục & Thời đại về tình hình dân số - kế hoạch hóa gia đình tại Việt Nam hiện nay.

Duy trì mức sinh thấp hợp lý càng lâu càng tốt

* Gần đây trên một số phương tiện thông tin đại chúng có đưa quan điểm về việc các cặp vợ chồng có thể quyết định sinh nhiều con không hạn chế. Với trách nhiệm là Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục giúp việc cho lãnh đạo Tổng cục quản lý nhà nước về báo chí, ông có thể cho biết quan điểm chính thức của Tổng cục Dân số-KHHGĐ về vấn đề này ?

Từ quan điểm nhân khẩu học kinh tế, tôi cho rằng nếu nới lỏng ngay mức sinh trong chương trình KHHGĐ, tỷ lệ sinh Việt Nam sẽ tăng trở lại, kịch bản bùng nổ dân số những năm sau khi ban hành Pháp lệnh Dân số 2003 sẽ lại xảy ra và có thể trầm trọng hơn.

- Cho đến nay, Việt Nam lựa chọn không để mức sinh ở Việt Nam xuống quá thấp, vì như thế khó vực dậy, nhưng cũng không để tăng mạnh trở lại. Do đó, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mục tiêu chiến lược là duy trì mức sinh thấp hợp lý càng lâu càng tốt”.

Cụ thể là chúng ta cố gắng duy trì tổng tỷ suất sinh (TFR) hay nói một cách dễ hiểu là số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,9 đến 2,0 con. Nhưng nếu để “các cặp vợ chồng quyết định sinh nhiều con không hạn chế như một số phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin” sẽ dẫn đến tình trạng chúng ta sẽ không kiểm soát được mức sinh.

Nếu để tỷ lệ sinh tăng, chỉ xét riêng một năm, có thể chúng ta chưa thấy rõ hậu quả, với tỷ lệ sinh tăng vài phần nghìn mỗi năm. Nhưng chỉ sau 5-10 năm, khi những đứa trẻ này lớn lên, nhu cầu về an sinh xã hội và tác động đến phát triển kinh tế, xã hội sẽ rất rõ ràng, bởi số tăng lên tới hàng triệu người ở mỗi nhóm tuổi.

Cứ mỗi lần tuyển sinh, các nhà trường lại đau đầu vì lượng học sinh tăng đột biến, không theo qui luật dẫn đến không đảm bảo số lớp, trường, phải tăng ca… Rồi áp lực cho ngành Y tế trong công tác khám, chữa bệnh, quá tải bệnh viện, bảo hiểm y tế miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi…

Đó là chưa nói đến giải quyết việc làm, đảm bảo làm đúng ngành, nghề được đào tạo; Áp lực lên môi trường, an sinh xã hội… Đơn cử hiện nay, số thí sinh thi vào THPT tăng cao do số trẻ sinh cao trong năm Nhâm Thìn (năm 2000).

Có ý kiến cho rằng, nên tuyên truyền cho người dân “Sinh con có trách nhiệm”. Quan điểm của tôi tuyên truyền như vậy còn chung chung quá! Chúng ta đã có bài học từ Pháp lệnh Dân số 2003, và điều 10 qui định “quyền” và “trách nhiệm” của người dân trong việc quyết định số con.

Nếu tuyên truyền không trúng, người dân dễ hiểu nhầm chủ trương, chính sách của Nhà nước, sẽ gây bùng nổ dân số. Bài học kinh nghiệm ở Indonesia cho thấy, khi mức sinh đã đạt mức thay thế 2,2 con, họ thay đổi chính sách KHHGĐ và giảm đầu tư cho lĩnh vực này, khiến mức sinh đã tăng trở lại lên 3,5 con. 

Điều này dẫn tới vào những năm đầu thập kỷ 90, Việt Nam học tập chương trình KHHGĐ của Indonesia, nhưng hơn 10 năm sau Indonesia lại phải sang học tập kinh nghiệm thực hiện KHHGĐ ở Việt Nam.

* Phân tích 3 kịch bản dân số do Tổng Cục thống kê đưa ra (kèm hệ quả), ông ủng hộ phương án nào ?

Dân số là mẫu số của phát triển KT-XH. Chất lượng sống không thể tăng lên nếu chúng ta để mẫu số “tăng lên”, trong khi tử số là phát triển KT-XH không tăng tương xứng. Hơn nữa, các nhà kinh tế đã tính toán, nếu tỷ lệ tăng dân số là 1% để duy trì mức sống như hiện tại thì mức tăng trưởng kinh tế phải là 4%. Như vậy, muốn nâng cao đời sống nếu mẫu số tăng 1% thì tử số cần tăng trên 4%”.

 - Có 3 kịch bản dân số hay nói đúng hơn có 3 phương án chính gồm phương án mức sinh cao, mức sinh thấp và mức sinh thấp hợp lý. Đây là cơ sở để chúng ta hoạch định chiến lược dài hạn, cùng hệ thống các giải pháp thực hiện phương án mục tiêu được chọn.

Với phương án mức sinh cao, nếu mức sinh tăng trở lại và tổng tỷ suất sinh có thể lên tới 2,3-2,5 con/phụ nữ, thì sau năm 2049 quy mô dân số ở nước ta đạt cực đại ở mức quá cao (khoảng 130-140 triệu người), mật độ dân số cao, khoảng 400 người/km2.

Kịch bản ngược lại, nếu để mức sinh giảm xuống quá thấp và tổng tỷ suất chỉ khoảng 1,35 con/phụ nữ (vào khoảng năm 2049), quy mô dân số nước ta sẽ đạt cực đại khoảng 95-100 triệu người.

Kịch bản thứ ba, đó là duy trì mức sinh ở mức thấp hợp lý, với tổng tỷ suất sinh khoảng từ 1,9-2,0 con/phụ nữ thì quy mô dân số nước ta sẽ chỉ đạt mức cao nhất khoảng 115 triệu người vào năm 2049.

Chúng tôi ủng hộ phương án duy trì mức sinh thấp hợp lý. Vì nếu làm tốt phương án này thì Việt Nam có thể phát huy được các lợi thế tương đối.

 Đó là quy mô dân số sẽ ổn định ở mức thấp hơn, phù hợp với diện tích lãnh thổ; cơ cấu tuổi của dân số sẽ cân bằng hơn, duy trì tương đối ổn định tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động; làm chậm lại thời gian chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già, có thêm thời gian để chuẩn bị ứng phó với quá trình già hóa dân số và dân số già, tạo thêm điều kiện cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước trong cả hiện tại và tương lai.

Từ sự phân tích đó, chúng tôi đề xuất lựa chọn phương án mức sinh thấp hợp lý và duy trì mức sinh thấp hợp lý càng lâu càng tốt.

* Về mặt quan điểm, chúng ta luôn tôn trọng quyền tự quyết định trong sinh đẻ của người dân như là một phần không thể tách rời của quyền con người. Tuy nhiên cũng không thể sinh bao nhiêu con tùy ý. Vậy thì chúng ta sẽ thực hiện phương án duy trì mức sinh ở mức thấp hợp lý bằng cách nào ? Ở đây tôi muốn hỏi về công cụ để chúng ta thực hiện Chiến lược dân số.

 Bác sỹ Mai Xuân Phương

- Để duy trì được mức sinh thấp hợp lý trước hết cần phải có những giải pháp nhanh chóng nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế, từng bước nâng cao chất lượng dân số, kiểm soát tốt các biến động dân số và cơ cấu dân số. Quan trọng nhất là các biến đổi dân số phải được lồng ghép một cách tích cực vào sự phát triển.

Trong thời gian tới, ngành DS-KHHGĐ cần nỗ lực và đoàn kết hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Điều đó cũng đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bởi những khó khăn, thách thức trong công tác DS-KHHGĐ không phải chỉ riêng ngành Y tế có thể thực hiện được.

Điều quan trọng là rất cần sự đầu tư mạnh mẽ về nguồn lực cho công tác DS-KHHGĐ từ Trung ương tới địa phương, để công tác dân số thực sự là mẫu số của tất cả các bài toán, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, sự phát triển bền vững của đất nước.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, chỉ khi nào người dân có đủ điều kiện và tự nguyện chi trả cho các nhu cầu DS-KHHGĐ thì công tác này mới đạt được kết quả bền vững.

Khi đó, ngân sách Nhà nước chỉ đảm bảo cho các đối tượng nghèo, yếu thế và có điều kiện đặc thù. Hiện nay, chúng ta chưa đạt được mức này, và do đó, đây cũng là một mục tiêu mà công tác DS-KHHGĐ cần phải hướng đến.

Cụ thể là, chúng tôi vẫn đang tích cực tập trung vào các nhóm giải pháp như: Tuyên truyền, giáo dục để người dân chấp nhận quy mô gia đình 2 con; cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân về sử dụng phương tiện tránh thai. 

Đặc biệt, tùy vào tình hình thực tế mà mỗi tỉnh/thành phố sẽ đưa ra các giải pháp DS - KHHGĐ linh hoạt: Các tỉnh có mức sinh cao cần tiếp tục giảm mức sinh để sớm đạt mức sinh thay thế; các tỉnh có mức sinh thấp cần khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con”.

Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Từ phải qua: Đạo diễn Việt Linh, tác giả Hải Anh và họa sĩ Pauline Guitton giao lưu tại buổi ra mắt sách ở Việt Nam do Nxb Kim Đồng tổ chức. Ảnh: Bình Thanh.

Thuở ấy, mẹ đã 'Sống'!

GD&TĐ - Thuở ấy – những năm tháng đất nước kháng chiến chống Mỹ - mẹ đã sống như thế và hôm nay được thế hệ gen Y lớn lên ở Pháp ghi lại bằng lăng kính mới lạ.