Đường vào Nga của cây thông Noel

GD&TĐ - Ngày nay, Nga mừng Giáng sinh tưng bừng không kém quốc gia nào và tất cả là nhờ cô dâu nước ngoài Aleksandra Fyodorovna (1798 - 1860).

Sau 8 năm bị cấm dưới thời Stalin, Noel trở lại rực rỡ hơn. Ảnh: Rbth.com
Sau 8 năm bị cấm dưới thời Stalin, Noel trở lại rực rỡ hơn. Ảnh: Rbth.com

Tôn giáo chủ đạo ở Nga là Chính thống giáo, không đón Noel. Thế kỷ XVIII, Sa hoàng Pyotr I (1672 - 1725) từng nỗ lực hiện đại hóa bằng cách du nhập truyền thống trang trí cây Giáng sinh, nhưng ông sớm thất bại.

Vậy mà ngày nay, Nga mừng Giáng sinh tưng bừng không kém quốc gia nào và tất cả là nhờ cô dâu nước ngoài Aleksandra Fyodorovna (1798 - 1860).

Cô dâu nhớ nhà

Aleksandra Fyodorovna là công chúa Phổ, con gái của Quốc vương Friedrich Wilhelm III (1770 - 1840), từ nhỏ đã được đính ước cho Sa hoàng tương lai Nicholas I (1796 - 1855). Năm 1817, công chúa phải chuyển đến Nga. Vì quá nhớ nhà và lo lắng trước khi gặp mặt gia đình hôn phu, cô đau buồn, khóc lóc rất nhiều.

Trái với nỗi bất an của công chúa, nhà Romanov đã chào đón cô bằng thái độ hết sức nồng nhiệt. Nicholas I lúc này mới chỉ là Đại công tước và dù còn rất trẻ, phải lấy vợ theo sự sắp đặt của gia đình, nhưng đã đối xử với công chúa bằng sự tử tế, yêu thương. Cuộc hôn nhân vốn chỉ vì lợi ích chính trị nhanh chóng biến thành tình yêu lứa đôi, đặt tình cảm và sự trân trọng lẫn nhau lên trên hết.

Theo lệ, công chúa phải chuyển đổi tín ngưỡng cũ là Công giáo sang tín ngưỡng của chồng là Chính thống giáo và nhận tên mới, Charlotte. Chính thống giáo không có truyền thống đón Noel và trước đây, Sa hoàng Pyotr I từng nỗ lực phổ biến trào lưu trang trí cây thông Giáng sinh nhưng thất bại.

Pyotr I say mê cây thông Giáng sinh sau chuyến du lịch vòng quanh châu Âu, nhìn thấy người dân ở Vương quốc Phổ hạnh phúc trang trí cây linh sam. Ông muốn giới thiệu đến thần dân của mình truyền thống thú vị này nên đã hạ chỉ “trong nhà, trên đường phố, trước cửa hoặc cổng của từ gia đình quý tộc đến người nghèo đều phải bố trí cây hoặc cành thông, linh sam, bách… và trang hoàng đẹp đẽ”.

Vì không thể trái lệnh của sa hoàng, toàn dân Nga miễn cưỡng đặt và trang trí cây thông Noel. Tuy nhiên, ngay sau khi Pyotr I tạ thế, phong tục bị áp đặt này cũng biến mất.

Mặc dù được yêu chiều, Charlotte vẫn rất nhớ nhà. Noel sắp đến, công chúa đòi chồng dựng cho một cây thông trong phòng để đón Giáng sinh theo tục lệ cố hương.

Thương vợ, Nicholas I sai người làm một cây thông Noel lộng lẫy. Đêm ngày 24/12 cùng năm kết hôn, Charlotte vỡ òa niềm hạnh phúc khi trước mắt là khung cảnh đón Noel không khác gì ở quê nhà.

Charlotte và Nicholas I. Ảnh: Rbth.com

Charlotte và Nicholas I. Ảnh: Rbth.com

Trầm và thăng

Năm 1818, ngoài cung của Charlotte, cây thông Noel còn xuất hiện tại Cung điện Anichkov ở St. Petersburg. Khác với khi bị Sa hoàng Pyotr I ép buộc, giới thượng lưu Nga ngày càng hứng thú với cây Giáng sinh và 10 năm sau, Charlotte lúc này đã trở thành nữ hoàng, tổ chức Bữa tiệc Cây thông Noel cấp hoàng gia.

Thập niên 1840, bất chấp đồ trang trí cây thông Noel vô cùng đắt đỏ, hoàng cung và giới thượng lưu Nga ganh đua nhau xem ai có cây thông Noel đẹp hơn. Ngay cả giới trung lưu và người bình dân cũng thích thú truyền thống mới, hào hứng dựng cây Noel công cộng để cùng nhau ngắm nghía.

Cây thông Noel công cộng đầu tiên được dựng tại Ga xe lửa Catherine ở St. Petersburg, trong Giáng sinh năm 1852. Nó được trang trí bằng những dải giấy nhiều màu sắc và thu hút đông đảo người dân Nga đổ đến xem.

Trong nhà Romanovs, không chỉ các con cháu của Charlotte mà tất cả các cận thần đều háo hức trông chờ, tham dự Lễ hội Noel do sa hoàng và hoàng hậu tổ chức. Họ thường thức trắng đêm Noel, thậm chí chờ chực trước Cung điện Mùa Đông từ sáng sớm để được là người đầu tiên bước vào sảnh mừng Giáng sinh.

Sau khi hàng nghìn ngọn nến được thắp sáng, hoàng hậu dẫn trẻ em đi phân phát quà. “Không từ ngữ nào có thể miêu tả hết niềm hân hoan, sự phấn khích và lòng biết ơn khi tiếng chuông ngân lên, báo hiệu Noel đã đến”, Đại công tước Konstantin Nikolayevich viết trong nhật ký năm 12 tuổi. Sau buổi tiệc, mọi người còn được phép mang những cây thông Noel nhỏ được đặt trên mỗi bàn cùng các món đồ trang trí trên chúng về nhà.

Nhà Romanovs rất chú trọng chọn quà phù hợp với trẻ ở từng độ tuổi, giới tính… Trẻ em cũng chuẩn bị trước các món đồ thủ công tự tay làm để tặng lại cha mẹ, ông bà.

Cũng trong bữa tiệc Noel, nhiều trò giải trí, cờ bạc được tổ chức. Ngay cả sa hoàng cũng tham gia vào bàn bài, đặt cược và hớn hở đi đến chỗ hoàng hậu để lĩnh thưởng nếu bốc trúng lá may mắn.

Đầu thế kỷ XX, Nga bị cuốn vào Thế chiến I (1914 – 1918) và tỏ rõ lập trường đối địch Đức. Noel vốn học theo văn hóa Phổ lập tức bị cấm và đến năm 1929, dưới thời Stalin, nó tiếp tục bị cấm lần thứ 2.

Dưới lệnh cấm Noel, ngay cả việc chặt và bán cây lá kim cũng là hành vi vi phạm pháp luật. “Bất cứ ai dám ăn mừng Giáng sinh cũng có thể phải trả giá đắt”, nhà văn Irina Tokmakova (1929 - 2018) viết. Trên đường, các biểu ngữ như “Cấm tổ chức Giáng sinh”, “Hãy nuôi dạy con cái dưới sự giúp đỡ của giáo dục chứ không phải Chúa”… giăng đầy.

Phải đến năm 1935, khi chính trị gia Pavel Postyshev (1887 – 1939) lên tiếng kêu gọi hãy tổ chức Noel trở lại vì trẻ em nghèo, Thủ tướng Iosif Vissarionovich Stalin (1878 - 1953) mới suy nghĩ lại. Cuối cùng, vào năm 1937, ông cho phép “bữa tiệc cây thông Noel” được tổ chức và, kể từ lúc này, Giáng sinh trở thành một trong các ngày lễ thiếu nhi chính thức của Nga.

Giờ đây, Giáng sinh là một trong các dịp quốc lễ. Nó được kết hợp với Năm mới nên kỳ nghỉ kéo dài đến tận 10 ngày. Trong suốt 10 ngày này, người dân Nga tưng bừng tổ chức lễ hội, tiệc tùng.

Các món chính trên bàn tiệc Giáng sinh của họ vô cùng phong phú, bao gồm cả món mặn lẫn món ngọt và món nào cũng nhiều như thể có ăn mãi cũng không hết được.

Theo rbth.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ