Đuối nước, thảm họa có thể tránh: Gỡ khó để "phổ cập" dạy bơi

Đuối nước, thảm họa có thể tránh: Gỡ khó để "phổ cập" dạy bơi

(GD&TĐ) - Dạy bơi cho học sinh là nhiệm vụ hết sức cấp thiết. Bộ GD&ĐT cũng tích cực chỉ đạo việc đầu tư xây dựng bể bơi tại trường học, hoặc cụm trường với quy mô và hình thức phù hợp. Bộ GD&ĐT cũng đưa việc tổ chức triển khai công tác phòng chống đuối nước và dạy bơi cho học sinh trong các nhà trường thành một trong những căn cứ bình xét thi đua hằng năm đối với các Sở GD&ĐT.

->> Kỳ 1: Chớm hè, đuối nước lại gia tăng

Cái khó... "bó phổ cập"                                                                                                          

Ngày 21/5, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý đã ký công văn hỏa tốc gửi các Sở GD&ĐT, trường ĐH, CĐ, THCN, yêu cầu tăng cường công tác phòng tránh tai nạn chết đuối nước cho trẻ em, HS, SV. Hy vọng rằng, hè là dịp để các trường hoàn tất các khâu chuẩn bị, để trong năm học tới, HS cả nước sẽ được phổ cập bơi lội nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc do sông nước. Các trường cần khẩn trương triển khai các hoạt động dạy bơi cho HS. Nên có những chuyên đề ngoại khóa nói về nguy cơ chết đuối, cách nhận biết nguy hiểm và cách phòng tránh, đối phó với hiểm họa sông nước.  Bộ GD&ĐT giao các đơn vị chức năng về công tác HS, SV, y tế trường học, giáo dục thể chất tổ chức các lớp dạy bơi cho HS tại những nơi có điều kiện; chủ động tham mưu, đề xuất và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch tổ chức triển khai hoạt động phòng, tránh tai nạn đuối nước hằng năm và giai đoạn 2013 - 2015.                                                                                                               

Chương trình thí điểm phổ cập bơi lội cho HS giai đoạn 2010 - 2015, các trường cần đặc biệt quan tâm đến công tác dạy học môn bơi cho học sinh tiểu học, tập trung vào khối lớp 4 và mở rộng dạy cho học sinh khối lớp 3 và lớp 5. Việc dạy bơi sẽ được tổ chức vào các dịp hè và các ngày nghỉ trong tuần, hoặc có thể lồng ghép những tiết dạy bơi vào chương trình môn học giáo dục thể chất. Mục tiêu được đặt ra là phấn đấu trong giai đoạn từ 2010 – 2015 cơ bản các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư triển khai được mô hình thí điểm dạy bơi trong các trường tiểu học bằng các hình thức phù hợp với từng địa phương. Trước tiên, tổ chức thí điểm tại các trường có điều kiện thuận lợi, sau đó nhân rộng và thí điểm theo cụm trường và hướng đến tổ chức dạy bơi đại trà cho HS cấp tiểu học.

Dạy trẻ kỹ năng bơi lội là biện pháp hữu hiệu phòng tránh đuối nước. Ảnh: Xuân Phong  
Dạy trẻ kỹ năng bơi lội là biện pháp hữu hiệu phòng tránh đuối nước. Ảnh: Xuân Phong  
   

Lâu nay, phụ huynh thường có tâm lý chờ nghỉ hè mới đăng ký cho con đi học bơi, trong khi kỹ năng này cần được rèn luyện, đào tạo thường xuyên, liên tục. Thật dễ hiểu khi chứng kiến cảnh quá tải của các lớp dạy bơi thời gian cao điểm tháng 6 - 7, trong khi ngày thường vắng hoe. Phụ huynh ở thành phố chủ quan và không quan tâm đến việc dạy bơi cho trẻ vì môi trường  sinh sống không có nhiều ao, hồ,… nguy cơ trẻ bị đuối nước không lớn. Tuy nhiên những tai họa bất ngờ ập đến khi các em cùng bạn bè đi chơi, du lịch, về quê. Phụ huynh ở nông thôn thì lại thiếu quan tâm hoặc chưa thật sự coi trọng việc dạy bơi cho con, do đó tình trạng HS chết đuối tập trung nhiều ở các vùng nông thôn có nhiều hồ ao, sông rạch.

Phải xã hội hoá việc dạy bơi                                                       

Đề xuất ý kiến để việc dạy bơi trong nhà trường hiệu quả hơn, trong một buổi làm việc với Bộ GD&ĐT và T.Ư Đoàn mới đây, ông Nguyễn Văn Tuyết - Uỷ viên Uỷ ban Văn hoá Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội gợi ý:  Nếu không linh hoạt trong công tác chỉ đạo và thực hiện thì Đề án thí điểm dạy bơi ... của Bộ GD&ĐT đưa ra sẽ rất lâu mới thực hiện được.

Xét riêng ở Hà Nội và các thành phố lớn thì điều kiện cơ sở vật chất, diện tích trường học vốn đã chật hẹp, nhiều trường ngay cả cái sân tập trung để HS toàn trường còn khó, việc xây được bể bơi trong trường sẽ khó đến mức nào. Vì thế cần tiếp cận theo hướng khác thì mới có thể giải toả và giải quyết được "ách tắc" này.

Cần tận dụng những điều kiện tự nhiên và hiện có thì mới làm được đại trà. Ví dụ, đồng bằng sông Cửu Long là vùng sông nước không nhất thiết phải đầu tư xây bể bơi, nên khảo sát cải tạo nguồn “bể bơi thiên nhiên”, miễn là đảm bảo được những điều kiện cơ bản và đảm bảo an toàn cho trẻ em. Nhiều địa phương đã tìm ra cách đi sáng tạo. Thiếu giáo viên dạy bơi HS, tại sao  không nghĩ đến phụ huynh? Bố mẹ biết bơi, dạy bơi cho con cũng được đâu nhất thiết phải chờ đào tạo được giáo viên? Với trẻ em nông thôn, học bơi không mất tiền mà chỉ cần sự quan tâm, dành thời gian của cha mẹ những người thân trong gia đình dạy trẻ trong điều kiện an toàn.

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, GD Thanh - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh đồng tình: Để phổ cập việc dạy bơi cho HS, trong điều kiện ngân sách đầu tư khó khăn thì công tác chỉ đạo cũng không nên "cứng nhắc", cần  gắn chặt trách nhiệm của gia đình với nhà trường. Các gia đình phải có sự hỗ trợ như thế nào, cần phải cam kết những gì trong việc trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước cho con. Không làm theo kiểu lẻ tẻ, có thể dạy bơi theo từng khu vực, tận dụng các bể bơi ở trong cộng đồng, hợp đồng cho từng trường, từng lớp để sử dụng hết công năng, công suất của những công trình thể thao - văn hoá đã được xây dựng. Các trường học không có điều kiện tài chính để xây dựng sân chơi hay bể bơi cho học sinh có thể kêu gọi, vận động các doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư, cải tạo theo hướng cả hai bên cùng có lợi, trong giờ học các em được sử dụng, rèn luyện sức khoẻ,  ngoài giờ học họ sử dụng thì cũng có thể cải thiện được tình hình...

Một số mô hình dạy bơi hiệu quả

Khó không có nghĩa là không thể. Mấy năm qua một số dự án dạy bơi cho trẻ em sống tại các vùng có địa hình, nguy cơ cao xảy ra đuối nước, các lớp học cho trẻ em trên các bể bơi thông minh đặt trên cạn vẫn được tổ chức và phát huy hiệu quả. Sở GD&ĐT Nghệ An từ năm 2010 đã phối hợp với hai huyện Đô Lương và Anh Sơn mở một số lớp tập huấn về dạy bơi cho 300 cán bộ, giáo viên và tập bơi cho 200 trẻ em. Sở đã và đang chỉ đạo các huyện xây dựng mô hình “ngôi nhà an toàn” phòng chống thương tích cho trẻ em nhằm giúp mọi người nhận biết được các mối hiểm họa có thể gây tai nạn thương tích cho trẻ và biết cách loại bỏ chúng. Mô hình đã được xây dựng tại 13 xã của các huyện và năm 2013 này tiếp tục được nhân rộng.

Một giải pháp hữu hiệu mà Sở GD&ĐT Nghệ An đưa ra bên cạnh việc tập trung chỉ đạo sát sao  các trường tổ chức dạy bơi cho học sinh thì môn bơi lội sẽ được đưa trở lại thành môn thi trong Hội khỏe Phù Đổng các cấp từ trường đến tỉnh như những năm 90 của thế kỷ trước để tạo phong trào học bơi trong học sinh.

Sau 6 năm đi vào hoạt động, mô hình dạy bơi hiệu quả "Lớp học trên sông", sáng kiến dạy trẻ em kỹ năng bơi, kỹ năng sơ cứu... của thầy giáo Lê Văn Tùng - Tổng phụ trách Đội Trường THCS Cẩm Trung  (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đang được nhiều nơi áp dụng  nhân rộng. Anh Tùng là một trong 10 gương mặt Tổng phụ trách xuất sắc trong toàn quốc được trao giải thưởng Cánh én hồng năm 2011 vì thành tích dạy bơi miễn phí cho hàng ngàn trẻ em vùng thường xuyên xảy ra mưa lũ. Lớp học bơi tại khúc sông gần chân cầu Trung Lĩnh, nối hai xã Cẩm Lĩnh và Cẩm Trung của thầy Lê Văn Tùng nay đã trở thành CLB bơi lội thu hút nhiều em theo học và đang là địa chỉ tin cậy để phụ huynh gửi gắm con em mình.

Chương trình dạy bơi cho HS vùng lũ nhằm hạn chế đuối nước do Hội Chữ thập đỏ Na Uy hỗ trợ, đang được triển khai thí điểm tại 10 xã của 3 huyện Đông Hòa, Tây Hòa và Tuy An (Phú Yên) được nhiều phụ huynh và học sinh tích cực hưởng ứng. Sau chương trình thí điểm thành công, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đang tìm nguồn hỗ trợ để triển khai ra toàn tỉnh.

Sở GD&ĐT Hậu Giang cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình thí điểm dạy bơi trình UBND tỉnh, xin hỗ trợ kinh phí thực hiện từ năm 2011. Hè 2012 thực hiện thí điểm trên 14 trường của 7 huyện, thị trong tỉnh song song với tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên thể dục cốt cán để đảm bảo về chuyên môn, kỹ năng dạy bơi cho học sinh. Nơi có điều kiện như TP Vị Thanh thì  thuê hồ bơi Bông Sen để dạy, còn HS ở các huyện, thị thì tập bơi trên rạch nhỏ. Ngành giáo dục Hậu Giang phấn đấu đến 2015 cơ bản sẽ phổ cập bơi cho HS từ lớp 3 đến lớp 5.

Trước nạn đuối nước gia tăng, nhiều nguời tỏ ra sốt ruột khi thấy việc triển khai phổ cập bơi trong các nhà trường diễn ra quá chậm chạp. Thực tế là không phải nơi nào cũng có đủ điều kiện để dạy bơi cho học sinh, nhất là ở vùng rừng núi, vùng sâu, vùng xa. Các trường chưa thực hiện được việc phổ cập bơi lội cho HS vì thiếu kinh phí và cơ sở vật chất do việc xây dựng được bể bơi không chỉ đòi hỏi mặt bằng diện tích, tốn kém từ 300 - 400 triệu đồng mà chi phí vận hành cũng không rẻ, đó là chưa kể đến việc đào tạo giáo viên, nhân viên cứu hộ. Vì thế việc chọn môn bơi là môn học tự chọn trong chương trình giáo dục thể chất cũng không được mặn mà. 

Khánh Linh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ