Dược phẩm Kphar quảng cáo thực phẩm Lucakid trái luật

Dược phẩm Kphar quảng cáo thực phẩm Lucakid trái luật

Việc quảng cáo này không đúng với nội dung giấy phép được cơ quan chức năng cấp.

Lucakid không dùng chữa bệnh

Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Lucakid do Công ty TNHH sản xuất DP Công nghệ cao NanofRance tại KCN Đồng Văn IV, Kim Bảng, Hà Nam sản xuất. Công ty TNHH Dược phẩm Kphar chịu trách nhiệm phân phối và tiếp thị.

Trên trang web http://nanofrance.com.vn, Công ty TNHH sản xuất DP Công nghệ cao NanofRance được giới thiệu "là nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng chất lượng cao hoạt động theo dây chuyền công nghệ khép kín, tuân thủ nguyên tắc một chiều theo tiêu chuẩn chất lượng cao…

Nanofrance đã nhanh chóng trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm chức năng… Vì vậy Nanofrance luôn tự hào là lựa chọn hàng đầu của khách hàng khi hợp tác nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng chất lượng cao."

Thực phẩm Lucakid được Cục An toàn thực phẩm cấp số công bố hợp quy 9348/2019/ĐKSP và xác nhận quảng cáo số 01925/2019/ATTP-XNQC, ngày 23/9/2019 dưới dạng thực phẩm bảo vệ sức khoẻ. Theo Giấy xác nhận quảng cáo, sản phẩm Lucakid chỉ được ghi công dụng là "hỗ trợ giảm các triệu chứng ho, đau rát họng, khản tiếng, nhiều đờm do viêm họng, viêm phế quản".

Công ty TNHH Dược phẩm Kphar khi phân phối và tiếp thị thực phẩm Lucakid đã sử dụng từ ngữ khiến người đọc, nghe, xem hiểu lầm, không đúng luật định. Dược phẩm Kphar quảng cáo sản phẩm này có tác dụng chữa bệnh, tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, sử dụng tên của tổ chức y tế…

Cụ thể, bài viết: "Cách chữa ho khò khè cho trẻ sơ sinh không dùng kháng sinh", đăng trên trang lucakid.vn có nội dung hướng dẫn các bà mẹ chữa ho cho trẻ ngay tại nhà. Sau thông tin tổng quát về bệnh, bài viết nêu rõ "Lucakid người bạn đồng hành chữa ho khò khè cho trẻ hiệu quả" và "có tác dụng tiêu diệt tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, vừa có tác dụng chữa ho, đờm, khò khè rất tốt". Bài viết đi kèm hình ảnh quảng cáo với thông tin "sạch đờm – hết ho – chẳng lo viêm phế quản".

Hay bài tiếp thị: "Trẻ bị húng hắng ho, viêm họng có cần dùng kháng sinh?" khẳng định, Lucakid giúp trẻ 3 ngày hết sổ mũi, rát họng – 7 ngày hết ho, đờm, khò khè". Đồng thời dẫn lời của PGS.TS Nguyễn Diệu Thuý, Bệnh viện Nhi Trung ương – Trưởng bộ môn Nhi, Đại học Y Hà Nội khẳng định sản phẩm chiết xuất cúc tím là "giải pháp điều trị tận gốc rễ gây ra viêm họng"…

Hành vi bị pháp luật cấm

Trên trang lukakid.vn có đăng ý kiến được cho là của "Mẹ Hiền – Thái Bình" với nội dung: "Phác Đồ Điều Trị của Luca Kid rất là tốt. Nhờ được tư vấn cẩn thận nên 2 cháu nhà mình rất khỏe mạnh. Mình rất cảm ơn Luca Kid".

Trang này cũng đăng tải cả ảnh và ý kiến được cho là của PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia. "Trong LUCA KID chứa chiết xuất cúc tím hiệp đồng tác dụng với 17 dược liệu có hoạt tính kháng virus, diệt khuẩn và kháng viêm mạnh như: Thiên môn đông, tang bạch bì, sa sâm, tiền hồ, cát cánh, chỉ xác, huyền sâm, ngưu bàng tử, trần bì, hạnh nhân, tử uyển, xuyên bối mẫu, qua lâu… được chứng minh hiệu quả đặc biệt cho trẻ viêm amidan, viêm họng, viêm thanh quản, các trường hợp viêm đường hô hấp gây ho, đờm nhiều, sổ mũi, khò khè, đau rát họng… Giảm tái phát viêm hô hấp, hạn chế sử dụng kháng sinh cho trẻ".

Cách tiếp thị sai sự thật về sản phẩm được Công ty TNHH Dược phẩm Kphar tiến hành từ lâu, nhưng chưa có cơ quan chức năng nào xử lý, cảnh báo người tiêu dùng. Theo tìm hiểu của Báo Giáo dục & Thời đại, trang lukakid.vn được đăng ký ngày 15/8/2019 và hết hạn vào ngày 15/8/2020 do cá nhân Tạ Văn Khanh đăng ký. Tạ Văn Khanh cũng đồng thời là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Dược phẩm Kphar.

Việc quảng cáo lừa dối người tiêu dùng là hành vi bị xã hội lên án và pháp luật nghiêm cấm. Cụ thể, Điều 5, Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định, khi quảng cáo thực phẩm, các đơn vị phải khuyến cáo "Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh". Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Tại Điều 7, Thông tư số 09/2015/TT-BYT cũng quy định: Thực phẩm thì "không được quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh. Không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thực phẩm".

Ngoài ra, tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng xác định việc quảng cáo sai sự thật là hành vi lừa dối người tiêu dùng. Cụ thể: Điều 10, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nghiêm cấm: "Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về một trong các nội dung: Hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp. Uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Nội dung, đặc điểm giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ".

Điều 11 của Luật này cũng xác định trách nhiệm của cá nhân vi phạm: "Cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật".

Trước những thông tin được tiếp thị sai sự thật liên quan đến thực phẩm bảo vệ sức khỏe Lucakid, PV Báo Giáo dục & Thời đại đã liên hệ đến Công ty TNHH Dược phẩm Kphar để xác minh thông tin 2 chiều. Tuy nhiên, nhiều ngày trôi qua, đơn vị này chưa có phản hồi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) trong giờ dạy môn Khoa học tự nhiên.

Giúp dạy học hiệu quả môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, các nhà trường đã rút ra những kinh nghiệm để triển khai dạy học hiệu quả môn tích hợp, nhất là môn Khoa học tự nhiên.