Răng sữa của trẻ có chứa tế bào gốc?
Niềm hy vọng trong tương lai
Thông tin răng sữa có thể giữ lại để sau này sử dụng sửa chữa các bệnh lý nào đó vì tế bào gốc từ răng sữa có tác dụng hữu ích hơn cả tế bào máu cuống rốn nhanh chóng được chia sẻ trên mạng xã hội. Nhiều bà mẹ hi vọng đây là một điều kỳ diệu để họ có động lực lưu trữ lại chiếc răng sữa cho con.
Sau khi biết thông tin này, facebook Trang Linh chia sẻ, chị đang thực sự quan tâm đến nó vì con của chị năm nay 5 tuổi. Chỉ một năm nữa là bé sẽ thay răng và chị không muốn vứt bỏ nó đi mà giữ lại tế bào gốc quý giá này.
Với chia sẻ của chị Trang Linh cũng như nhiều bà mẹ khác mọi người đều mong muốn có thể giữ lại được nó. Tuy nhiên, cũng có những bà mẹ tỏ ra hờ hững. Chị Nguyễn Thị Thu Vân trú tại Vĩnh Hưng, Hà Nội tâm sự, trước đây khi thông tin có thể lưu trữ máu cuống rốn để chữa bệnh rồi phòng thân cho cả gia đình, chị Vân cũng tìm hiểu nhưng sau khi tìm đến các ngân hàng lưu trữ máu cuống rốn, chị Vân thấy chi phí đắt mà hiệu quả sử dụng cũng không cao. Chị Vân đã không lưu trữ máu cuống rốn nên đến giờ việc lưu trữ tế bào gốc từ răng sữa cho bé chị cũng không nghĩ sẽ sử dụng đến nó.
Trước đó, năm 2003, một nghiên cứu đã chứng minh rằng trong răng sữa có chứa tế bào gốc, có thể sử dụng để trồng các tế bào răng, mỡ và thần kinh, giúp sửa chữa răng bị hư hỏng và điều trị các vết thương thần kinh hay bệnh thoái hóa.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, trưởng bộ môn Mô - Phôi, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, tế bào gốc từ tủy răng sữa đã được nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới nghiên cứu và thực sự tế bào gốc từ răng sữa cũng rất tốt.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, TS Hà cho biết, chưa có một nghiên cứu nào về tế bào gốc của răng sữa và trong tương lai chắc chắn sẽ có nghiên cứu này để có thể sử dụng nguồn tế bào gốc từ răng sữa.
Nhưng việc sử dụng tế bào gốc từ răng sữa để chữa bệnh, TS Hà cho biết đây chỉ là hi vọng của tương lai vì hiện nay việc lưu trữ máu cuống rốn để điều trị bệnh cũng giới hạn chứ không rộng rãi.
Một bác sĩ nhi khoa tại TP.HCM cho biết việc lưu trữ răng sữa này không phải ai thích là cũng lưu trữ được. Với nhiều thông tin gợi rằng “bạn đừng vứt răng sữa của con đi” sẽ có không ít bà mẹ giữ nó lại. Nhưng việc giữ lại như thế nào là cả vấn đề.
Răng vừa rụng sẽ phải trích tủy bằng phương pháp đặc biệt, rồi phải trữ đông đặc biệt ở các trung tâm lưu giữ tế bào gốc mới làm được chứ không phải cứ giữ lại là có thể sử dụng vì tế bào gốc ở chân răng rất nhanh bị tiêu hủy khi ở ngoài nhiệt độ thường.
Mô, tạng nào cũng có tế bào gốc
TS Phan Toàn Thắng – cha đẻ của tế bào gốc máu cuống rốn cho biết: "Tất cả chúng ta đều sinh ra từ một tế bào gốc – hay gọi là tế bào gốc phôi (Embryonic Stem Cells). Nhóm tế bào gốc này được tạo ra khi tinh trùng thụ tinh với trứng – trong giai đoạn nằm trong tử cung của mẹ, nó được điều hòa, phân chia, tăng về số lượng, biệt hóa tạo thành các mô tạng khác nhau, tạo ra một cơ thể hoàn chỉnh – đó là con người chúng ta, có mắt mũi, miệng, chân tay, lục phủ ngũ tạng... Cứ mỗi lần nhắc tới điểm này, ta lại thấy sự vĩ đại và kì diệu của tạo hóa – tạo ra chúng ta từ 1 tế bào gốc .
Sau khi chào đời, mô tạng của cơ thể mỗi người đều chứa các tế bào gốc chuyên biệt cho mô/tạng đó – hay được gọi là tế bào gốc trưởng thành (Adult Stem Cells hay Tissue-specific Stem Cells). Ví dụ, nhóm tế bào gốc tạo máu trong tủy xương sẽ có trách nhiệm tạo ra các tế bào máu như hồng cầu, bach cầu, tiểu cầu. Tế bào gốc nang lông sẽ tạo ra lông, thượng bì da (epidermis), và tuyến bã (sebaceous gland). Tế bào gốc tuyến vú tạo ra tế bào tiết sữa hay tế bào biểu mô tuyến vú…
Tế bào gốc có 3 thiên chức lớn đó là: Thay Thế (replacement) – Tái Tạo (regeneration) –Sửa Chữa (repair).
Thay thế các tế bào chết giúp cho mô tạng trẻ khỏe; Tái tạo/Sửa chữa các tế bào bị tổn thương, giúp làm lành lại mô tạng, phục hồi sức khỏe.
Nhờ sự hiểu biết về sinh học tế bào gốc trong hơn 20 năm qua, đặc biệt trong hơn thập kỉ này, công nghệ tế bào gốc ra đời cùng với một chuyên nghành y khoa mới – Y Học Tái Tạo. Trọng tâm của nó là tận dụng tế bào gốc vào tái tạo mô tạng, làm lành tổn thương, chữa khỏi bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
TS Phan Toàn Thắng cho biết trong tương lai xa hơn và ước mơ lớn của các nhà khoa học y học là ứng dụng tế bào gốc trong chống lão hóa và các bệnh lão suy bao gồm ung thư, tiểu đường, tim mạch và thoái hóa thần kinh. Đây là chủ đề rất nóng của khoa học y học đương đại tại các cường quốc y học, đang hút một lượng kinh phí đầu tư khổng lồ.