Dừng tuyển sinh bậc cao đẳng: Bất cập về mặt pháp lý

GD&TĐ - Hiện nhiều trường ĐH đã công bố chỉ tiêu tuyển sinh và nhận hồ sơ xét tuyển bậc cao đẳng (CĐ). Việc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản gửi tới 45 trường đại học đề nghị dừng tuyển sinh bậc CĐ từ 1/7/2019 tạo nên nhiều ý kiến trái chiều.

Sinh viên ngành Điện hệ cao đẳng Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong giờ thực hành. Ảnh: N.T
Sinh viên ngành Điện hệ cao đẳng Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong giờ thực hành. Ảnh: N.T

Quá đột ngột

Chia sẻ thông tin với Báo GD&TĐ, bà La Vũ Thùy Linh – Phó Trưởng phòng Đại học, Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) – đơn vị có đào tạo bậc CĐ cho biết ngày 24/7/2019, nhà trường nhận được Công văn số 1332/TCGDNN-PCTT ngày 17/7/2019 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu không tuyển sinh trình độ CĐ từ 1/7/2019 đối với các ngành nghề mà trường đã được cấp giấy chứng nhận hoạt động GDNN.

Đại diện TDTU cho rằng, thông báo này quá gấp về thời gian (thông báo được gửi ngày 17/7/2019 và yêu cầu ngừng tuyển sinh trước ngày 1/7/2019). Phần lớn các trường đều đã có kế hoạch tuyển sinh và đang triển khai để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, sinh viên. Do đó, ngoài sự bị động cho các trường, thông báo trên gây ra những lo lắng cho việc đào tạo, việc học của xã hội.

“TDTU cũng như các cơ sở GDĐH khác đã đăng ký chỉ tiêu CĐ năm 2019 cho Tổng cục GDNN từ tháng 12/2018 và chuẩn bị cơ sở vật chất, giáo viên để đào tạo CĐ, triển khai tuyển sinh CĐ từ tháng 1/2019. Đến thời điểm này, khi trường đã nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh, chuẩn bị công bố kết quả và cho thí sinh nhập học thì Tổng cục GDNN yêu cầu dừng tuyển sinh là hoàn toàn không hợp lý và không đảm bảo quyền lợi của người học” - đại diện TDTU bức xúc.

Năm nay, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (HUFI) tuyển sinh 500 chỉ tiêu bậc CĐ. Đón nhận thông tin trên, ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc tuyển sinh HUFI chia sẻ, theo lộ trình, HUFI sẽ giảm dần và tiến tới không đào tạo hệ CĐ nữa. Tuy nhiên trong năm 2019, nhà trường đã triển khai công tác phân bổ nguồn lực để tuyển sinh và đào tạo từ đầu năm theo kế hoạch. Tất cả công tác về cơ sở vật chất và nhân lực đều đã chuẩn bị. Các lớp tuyển sinh từ đầu năm đã vào học. Các lớp tuyển sinh trong đợt này cũng đang xác nhận nhập học và chuẩn bị học vào đầu tháng 8. Trước thông báo khá đột ngột của Bộ LĐ-TB&XH, nhà trường sẽ bị động trong hoạt động đào tạo.

“Hiện tại HUFI đang chờ thông tin hướng dẫn thêm từ phía Bộ LĐ-TB&XH về việc xử lý đối với các thí sinh đã xác nhận nhập học và chờ khai giảng. Thực hiện theo văn bản của Bộ LĐ-TB&XH, trường sẽ dừng tuyển sinh mới, tuy nhiên cũng mong Bộ xem xét cho các thí sinh đã đăng ký xét tuyển, đã xác nhận nhập học được tiếp tục nhập học và nhà trường sẽ dừng sau năm 2019. Nhà trường hiện đang chuẩn bị công văn báo cáo Bộ về tình hình hiện nay và đề xuất Bộ xem xét để đảm bảo quyền lợi của thí sinh cũng như đảm bảo hoạt động đào tạo của trường” - đại diện HUFI bày tỏ.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng – nơi có đào tạo bậc CĐ. Ảnh: TDTU
  • Trường ĐH Tôn Đức Thắng – nơi có đào tạo bậc CĐ. Ảnh: TDTU

Bất cập về mặt pháp lý?

Ở khía cạnh pháp lý, đại diện TDTU cho rằng, quyết định của Bộ LĐ-TB&XH theo Công văn số 1332/TCGDNN-PCTT là không có cơ sở pháp lý.

Cụ thể, Điều 19 Luật GDNN năm 2014 (có hiệu lực ngày 1/7/2015) quy định: “Cơ sở GDNN, cơ sở GDĐH, doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN khi có đủ các điều kiện sau đây: (a) Có quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập; (b) Có đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động đào tạo theo cam kết; (c) Có đủ chương trình đào tạo và giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập theo quy định; (d) Có đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN đạt tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu; (đ) Có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động GDNN; (e) Có điều lệ, quy chế tổ chức, hoạt động”.

Theo quy định trên, cơ sở GDĐH (tức là các trường đại học) đáp ứng các điều kiện luật định, được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN thì đương nhiên được tổ chức đào tạo.

Ở một khía cạnh khác, đại diện TDTU chia sẻ: Việc thông báo chấm dứt đào tạo hệ CĐ, trung cấp đối với các trường đại học được thực hiện theo Thông tư 32/2015/TT-BGDĐT ngày 16/12/2015 của Bộ GD&ĐT quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các trường đại học. Quả thật, văn bản này có quy định về lộ trình chấm dứt việc đào tạo CĐ, trung cấp với các trường đại học. Lộ trình là trước năm 2020. Tuy nhiên, Thông tư 32/2015/TT-BGDĐT đã hết hiệu lực và đã bị bãi bỏ bởi Thông tư 06/2018/TT-BGDĐT ngày 28/2/2018 của Bộ GD&ĐT. Trong Thông tư 06/2018/TT-BGDĐT hoàn toàn không còn quy định về việc không cho các trường đại học tổ chức đào tạo hệ CĐ, trung cấp. Thật ra, sự thay đổi của Thông tư 06/2018/TT-BGDĐT chỉ là sự tiếp thu chi tiết Điều 19 Luật GDNN năm 2014.

Bà La Vũ Thùy Linh cho biết: Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã có Công văn 2094/2019/TĐT-CV ngày 25/7/2019 gửi Tổng cục GDNN – Bộ LĐ-TB&XH để kiến nghị Tổng cục GDNN đồng ý cho trường tiếp tục tuyển sinh trình độ CĐ đến hết ngày 31/12/2019 nhằm đảm bảo các cam kết của đơn vị đối với người học đã đăng ký vào chương trình CĐ của trường, cũng như sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất và nhân lực đã đầu tư cho hệ CĐ.

Về kế hoạch lâu dài, Trường ĐH Tôn Đức Thắng sẽ thành lập Trường CĐ Tôn Đức Thắng để tiếp tục nhận nhiệm vụ đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho giai cấp công nhân cũng như sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư về cơ sở vật chất và nhân lực dành cho bậc CĐ của trường.

“Chúng tôi kiến nghị Tổng cục GDNN xem xét việc vẫn tiếp tục cho các trường ĐH tuyển sinh trình độ CĐ đến hết năm 2019, và phải có văn bản chính thức hướng dẫn các trường đại học có đăng ký hoạt động GDNN về lộ trình và kế hoạch thực hiện dừng đào tạo CĐ triển khai từ năm 2020. Việc triển khai này phù hợp với quy định của Luật và đảm bảo các quyền lợi của người học và nhu cầu xã hội” - đại diện TDTU nêu đề xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ