“Bệnh nhân cuối cùng nhiễm Covid – 19 ở Việt Nam đã khỏi bệnh. Chúng mình phải “sống bù” những ngày tháng bị “giam cầm” trong 4 bức tường chứ”, một bán gái viết trên Facebook. “Đi du lịch trong mùa dịch, quả đúng là cơ hội hiếm có cho những người không sợ chết”, một cô bạn lập luận.
“Có bị dịch thì cũng chẳng sao. Nước mình có ai bị chết đâu. Với lại nếu có làm sao thì cũng có Nhà nước lo. Được bao ăn, bao ở, được chăm sóc y tế miễn phí, lo gì!”. Tuyên bố của bạn gái kia khiến tôi sởn gai ốc!
Khu nhà tôi, chợ vẫn họp tấp nập. Họa lắm mới thấy có người đeo khẩu trang. Trẻ con nghỉ học ở nhà, tụ tập chơi đùa vang ngõ xóm. Mấy người già chụm đầu đánh cờ đầu ngõ, chẳng ai đeo khẩu trang.
Đám các chị trung niên ngồi bàn về giá vàng lên cao quá. Dường như chẳng ai bàn về dịch bệnh Covid – 19. Mặc cho tivi nói ra rả về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, mặc những thông tin nóng hổi về diễn biến số người mắc liên tục cập nhật trên các trang báo.
Tôi hỏi một chị hàng xóm về dịch bệnh, chị bảo virus này nó gây viêm phổi, dễ lây, nhưng Việt Nam mình giỏi lắm, chữa khỏi hết rồi mà, có gì đáng lo đâu. Đúng là rất lo với suy nghĩ “không có gì đáng lo”.
Vì sao Việt Nam khống chế được dịch ở thời điểm này, trong khi nhiều nước phát triển hơn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… lại lao đao, thậm chí không kiểm soát được dịch. Là bởi ngay khi phát hiện có người dương tính với Covid – 19, cả hệ thống phòng chống dịch được kích hoạt.
Hệ thống ấy đã chạy bất kể ngày đêm, bất kể lễ tết. Từ đoàn thanh niên, hội phụ nữ, tổ dân phố, cho đến cán bộ phường xã, công an, rồi đến nhân viên y tế cơ sở cùng cán bộ phòng chống dịch tiếp cận, điều tra kỹ càng, yêu cầu khai báo và thực hiện cách ly.
Có những người cả tháng không được ăn bữa cơm nhà. Đến giờ hết bệnh nhân không có nghĩa là hết việc, thậm chí công việc còn nặng nề hơn. Họ phải suy nghĩ, phải hành động, phải làm mọi thứ sao cho không có thêm bệnh nhân. Nếu có thì đừng để lây thêm. Phải cố gắng chặn dịch ngay từ biên giới.
Chúng ta không thể coi đó là thành tích đạt được, để cho phép mình tự mãn, lơi lỏng và chủ quan. Covid – 19 vẫn đang là cơn ác mộng của cả thế giới, mà theo dự báo, dịch có thể kéo dài 1,5 - 2 năm.
Covid – 19 lần này rất khó lường, chính giới khoa học vẫn chưa thể tìm ra lời giải. Ngay từ bây giờ Covid – 19 đang lây lan với tốc độ rất nhanh trong cộng đồng. Mọi sự chủ quan và lơi lỏng sẽ phải trả giá rất đắt. Nên các cụ ta nói vẫn rất đúng: Phòng bệnh hơn chữa bệnh.