Trước giờ, người ta kháo nhau rất nhiều câu chuyện, nhiều giả thuyết xoay quanh các bí ẩn của kim tự tháp Ai Cập, bao gồm cả việc người xưa xây dựng nó như thế nào, bên trong nó ẩn chứa cái gì, có những căn phòng, kiến trúc ra sao,... Và trong nỗ lực khám phá mới nhất, các nhà khoa học sẽ dùng tia vũ trụ bắn xuyên đá để giải mã một phần cấu trúc của công trình cổ đại này.
Với tên gọi ScanPyramids Project, dự án sẽ sử dụng nhiều công nghệ tiên tiến, không xâm lấn để ghi lại hình ảnh cấu trúc của kim tự tháp tại Giza và Dahshur, bao gồm cả công nghệ ảnh nhiệt, máy quét gắn trên máy bay drone và kỹ thuật chụp cắt lớp muon. Dự án sẽ được triển khai vào tháng 11 2016 và kéo dài suốt 1 năm với sự hỗ trợ của Bộ khảo cổ Ai Cập.
Kỹ thuật chụp cắt lớp muon tương tự như chụp ảnh X quang hoặc radar dò dưới lòng đất, tuy nhiên điểm khác biệt là nó sử dụng tia vũ trụ muon chứ không phải dùng tia X hoặc sóng vô tuyến. Đây là dạng tia vũ trụ cao năng lượng, có khả năng xâm nhập sâu, xuyên qua những cấu trúc rất dày đặc và do đó, nó hoàn toàn khả thi khi được dùng để chụp ảnh cấu trúc kim tự tháp qua các khối đá khổng lồ.
Được biết đây không phải là lần đầu tiên các nhà khoa học sử dụng tia vũ trụ để phục vụ khảo cổ. Hồi những năm 1950, một kỹ sư mang tên E.P. George đã sử dụng kỹ thuật dựa trên muon để đo đạc hệ thống đường hầm tại Úc.
Nổi tiếng nhất người từng được trao giải Nobel, nhà vật lý thực nghiệm người Mỹ Luiz Alvarez (1911-1988) đã cùng với các khảo cổ học Ai Cập để sử dụng muon và khám phá ra căn hầm bí mật trong kim tự tháp Khafre. Khi đó, ông đã thiết lập một máy dò hạt muon ở bên dưới kim tự tháp.
Ý tưởng ở đây là căn hầm bí ẩn sẽ có độ dày đặc thấp hơn so với cấu trúc xung quanh nó, khi càng nhiều hạt muon đi xuyên qua mà không bị ngăn chặn thì dựa vào đó, người ta sẽ có được hình ảnh của căn phòng. Cuối cùng, cách tiếp cận này đã có hiệu quả, họ đã tìm thấy một khoảng trống trong cấu trúc của kim tự tháp.
Kể từ đó, kỹ thuật chụp cắt lớp muon đã phổ biển ra nhiều lĩnh vực khác chứ không riêng gì khảo cổ. Nó được sử dụng để kiểm soát việc vận chuyển vật liệu hạt nhân qua biên giới, giám sát hoạt động núi lửa nhằm phát hiện dấu hiệu phun trào. Hồi năm 2008, các nhà khoa học tại Đại học Texas, Austin đã tìm cách áp dụng cách của giáo sư Alvarez để dò tìm tàn tích của người Maya ở Belize.
Video giới thiệu dự án dùng tia vũ trụ để khám phá kim tự tháp
Giờ đây, các máy dò muon một lần nữa được sử dụng để khám phá kim tự tháp tại Ai Cập với hy vọng sẽ khám phá được bản chất cấu trúc xoắn bí ẩn trong đó. Trước đây, nhiều kiến trúc sư và nhà khoa học giả thuyết rằng có thể cấu trúc đã được xây dựng từ bên trong, tuy nhiên lập luận chưa đủ căn cứ và còn dấy lên nhiều hoài nghi.
Tayoubi, một thành viên trong dự án chia sẻ: "Nhiều người trước đây đã thực hiện điều này nên tôi nghĩ dự án của chúng tôi cũng khá khiêm tốn. Nhưng chúng tôi rất phấn khởi bởi nếu tìm thấy điều gì đó, nó sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn cách người xưa xây dựng kim tự tháp - một trong những bí ẩn lớn nhất mà người thời nay luôn khao khát tìm hiểu."