Tuy nhiên, một số nghiên cứu sau đó đã cho thấy các lỗ hổng kiến thức liên quan đến những cơ chế hoạt động của phương pháp này, từ đó cho thấy những phản ứng phụ nguy hiểm có thể xảy ra trong hoặc sau quá trình điều trị.
Cũng dựa trên nguyên tắc hoạt động của hệ thống miễn dịch, công trình của các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ, ETH, đi theo một cách tiếp cận hoàn toàn khác. Theo đó, nhóm sử dụng một loại virus lành tính mang tên F8-TNF được tiêm vào cơ thể người bệnh theo đường máu.
Sau khi xâm nhập vào cơ thể, F8-TNF sẽ tập hợp các tế bào được gọi là tế bào sát thủ có trong hệ miễn dịch của con người đi đến khu vực tế bào ung thư đang tấn công cơ thể.
Cơ chế hoạt động của F8-TNF giống như một người bảo vệ, nhóm tế bào gốc F8 theo dõi các dấu hiệu của sự xâm lăng bất thường trong cơ thể, trong khi nhóm tế bào gốc TNF sẽ thu hút các tế bào sát thủ đến khu vực mà tế bào gốc F8 phát hiện sự bất thường.
Các tế bào sát thủ này khi tiếp xúc với các khối u của tế bào ung thư sẽ tiến hành tiêu diệt chúng mà không tác động đến những tế bào khỏe mạnh khác xung quanh. “Nói một cách dễ hiểu thì F8-TNF giống như một người truyền tin của hệ miễn dịch một khi có sự xâm nhập của những tế bào gây hại, mà ở đây là khối u ung thư”, Dario Neri, giáo sư Viện khoa học dược tại ETH, cũng là tác giả của công trình, cho biết.
Để có thể kiểm chứng hiệu quả, giáo sư Neri và các cộng sự của mình đã tiến hành thử nghiệm trên chuột mang mầm bệnh ung thư sarcomas. Theo quan sát, sau khi được tiêm F8-TNF, các khối u sarcomas ngay sau đó đã bị tiêu diệt hoàn toàn.
Một phát hiện thú vị khác trong thí nghiệm này đó là cơ thể của chú chuột này bắt đầu được miễn nhiễm với nhiều loại khối u khác được cấy vào cơ thể sau đó. “Chú chuột được chữa trị bằng phương pháp mới này sau đó đã có được khả năng miễn nhiễm với nhiều loại khối u ung thư khác nhau.
Điều này có thể lý giải bằng việc tế bào sát thủ đã được kích hoạt khả năng tiêu diệt các tế bào độc hại xâm nhập vào cơ thể nhờ sự tác động của tế bào miễn dịch F8-TNF”, GS Neri giải thích.
Hiện công trình vẫn đang được tiến hành trong phòng thí nghiệm ở nhiều giai đoạn kiểm nghiệm trước khi được thử nghiệm trên cơ thể con người.
Công trình không chỉ cho ra đời một phương pháp chữa trị ung thư hiệu quả, có thể áp dụng trên từng cá thể khác nhau mà còn giúp các nhà khoa học nắm được cơ chế hoạt động của hệ miễn dịch khi áp dụng phương pháp này. “Với những liệu pháp chữa trị ung thư mới nhất hiện nay như trị liệu miễn dịch, vốn không thể xác định cụ thể cơ chế hoạt động thì phương pháp mới có thể là một sự thay thế an toàn và hiệu quả hơn khi mọi nguyên tắc hoạt động của nó đã được công trình đào sâu phân tích”. Giáo sư Neri kết luận.