(GD&TĐ) - Sáng ngày 25/10, khi chương trình thời sự VTV1 phát bản tin về tai nạn thương tâm xảy ra tại sông Măng (thuộc xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước), chiếc xuồng quá cũ lại chở đến 30 người bị lật trên sông làm 7 phụ nữ bị chết, nhiều khán giả truyền hình đã chạnh lòng trước tiếng khóc thống thiết của những thân nhân người dân tộc thiểu số.
Lực lượng tìm kiếm thi thể các nạn nhân trong vụ chìm xuồng xảy ra tại sông Măng (thuộc xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) |
Tới lúc này, dường như không còn mấy ai quan tâm tới chi tiết tiếp theo mà phát thanh viên nêu trong bản tin: “UBATGT Quốc gia yêu cầu UBATGT Bình Phước và UBND tỉnh điều tra làm rõ nguyên nhân và đưa ra các giải pháp quản lý chặt chẽ các phương tiện giao thông đường thủy trên địa bàn”, vì những lời lẽ này dường như đã quá quen tai mà người dân được nghe sau mỗi vụ tai nạn xảy ra; chẳng hạn như ở vụ chìm ca nô ở biển Cần Giờ - thành phố Hồ Chí Minh làm 9 người tử vong, chỉ trước đó 2 tháng hay trong một loạt vụ việc về tai nạn giao thông kinh hoàng xảy ra từ đầu năm 2013 tới nay.
Câu nói của dân gian “Mất bò mới lo làm chuồng” được nhiều người nhắc đến như là lời trách cứ tới các cơ quan chức năng buông lỏng quản lý trong các lĩnh vực liên quan tới vấn đề trật tự an toàn xã hội và sinh mạng của con người.
Một bằng chứng khác khó chối cãi lại diễn ra với ngành Y tế sau những sự cố gây chấn động dư luận như 3 em bé sơ sinh ở Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa, Quảng Trị tử vong sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B do bị tiêm nhầm thuốc, nhân bản xét nghiệm tại bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội), sản phụ tử vong do bác sỹ thiếu trách nhiệm tại huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa (ngày 18/10/2013)…, đó là việc Thẩm mỹ viện Cát Tường không được cấp phép hành nghề vẫn ngang nhiên phẫu thuật nâng ngực cho khách hàng để rồi dẫn tới con đường phạm tội - vứt xác nạn nhân xuống sông để phi tang.
Tới lúc này, cơ quan quản lý cấp phép ở một số tỉnh, thành như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mới lại tiến hành thanh, kiểm tra để rồi phát hiện hàng loạt cơ sở thẩm mỹ viện khác không có giấy phép hành nghề.
Sau khi báo chí lên tiếng về sự đùn đẩy giữa các cơ quan chức năng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã nhận lỗi về phía ngành Y tế: “Để một thẩm mỹ viện hoạt động khi chưa có giấy phép hành nghề là lỗi của ngành, là công tác quản lý, thanh tra chưa tốt. Bệnh viện nói không biết nhân viên dưới quyền có thẩm mỹ viện ngay đối diện bệnh viện là không hợp lý”. Sự nhận trách nhiệm là điều cần thiết của mỗi một ngành, một cơ quan, đơn vị khi để xảy ra hậu quả xấu cho con người, cho xã hội, nhưng tới lúc này đã trở nên khó trấn an đối với người dân, vì đã “quá tam ba bận”.
Làm thế nào để không phải chờ tới khi hậu họa chết người xảy ra thì các cơ quan chức năng mới lại thanh, kiểm tra và xử lý? Làm thế nào để những người đứng đầu ngành không còn phải đứng ra nói lời xin lỗi? Thiết nghĩ, đó là điều mà người dân luôn mong mỏi.
Hồng Thúy