Đừng nhầm lẫn về “quyền” của cha mẹ

GD&TĐ - Hiện nay, nhiều phụ huynh đang hoang mang về ranh giới đúng và sai trong cách nuôi con thời hiện đại hoặc biết quá nhiều phương pháp nhưng không hiểu bản chất điểm tốt và hạn chế của từng phương pháp. 

Đừng nhầm lẫn về “quyền” của cha mẹ

Tất cả những thắc mắc đó đã được Tiến sĩ Vũ Thu Hương, khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐHSP Hà Nội chia sẻ trong buổi tọa đàm ra mắt sách “Cha mẹ là số phận của con cái” vào cuối tuần qua tại Hà Nội.

Lầm tưởng về quyền cha mẹ

TS Vũ Thu Hương chia sẻ: “Tôi là người vô cùng yêu trẻ con nên tôi viết cuốn sách với khao khát lan tỏa phương pháp nuôi con thuần Việt. Cha mẹ tôi là 2 giáo sư Toán của Trường ĐHSP Hà Nội. Trong suốt quá trình tôi sinh ra và lớn lên nghề giáo có thể chiếm đến 80% trong trí não tôi. Vì vậy, việc dạy ai đó như thế nào cứ trăn trở trong tôi.

Lớn lên tôi đã đặt ra rất nhiều câu hỏi như: “Nếu tôi không phải là con của bố mẹ tôi mà là con của một gia đình khác, hoàn cảnh khác thì chuyện gì sẽ xảy ra?” hoặc tôi đã nghĩ nếu như trong hành động này của tôi, bố mẹ tôi không xử lý thế này mà suy nghĩ theo kiểu khác thì tôi sẽ suy nghĩ thế nào, và tôi sẽ trở thành con người như thế nào. Dần dần tôi quan sát nhiều hơn và phát hiện ra rằng chúng ta đang nắm giữ một điều vô cùng quan trọng là số phận của đứa trẻ.

Chúng ta có rất nhiều quyền nhưng đứa trẻ không có quyền gì cả. Đứa trẻ không được lựa chọn sự ra đời hay không, không được lựa chọn hình dáng bên ngoài, giới tính, hoặc cha mẹ của mình... Tôi nhận ra khi đứa trẻ ra đời có nghĩa nó đã lựa chọn số phận của mình, chính bố mẹ là số phận của chúng. Mỗi hành động của họ ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển của trẻ và điều đó tạo nên số phận của trẻ”.

Yêu con cũng phải đúng luật

Tác giả của cuốn sách “Cha mẹ là số phận của con cái” cho rằng: “Nếu như chúng ta quan niệm những đứa con là tài sản, dùng tốt thì giữ, không tốt vứt đi thì chúng ta sẽ hành xử khác, nhưng khi đã ý thức chúng ta đang nắm giữ số phận của một con người thì lúc đó phải rất cẩn trọng. Từng hành vi, từng suy nghĩ của mình chúng ta phải để ý hơn, phải luôn băn khoăn hành vi của mình sẽ ảnh hưởng đến con như thế nào, lúc đó chúng ta sẽ nuôi dạy con tốt hơn”.

Khi chúng ta sinh ra một em bé, chúng ta luôn yêu thương, lo lắng cho con từng bữa ăn, giấc ngủ... Chính từ việc chăm sóc trẻ nên cha mẹ có suy nghĩ quyết định mọi thứ cho con. Khi con lớn lên, mọi việc cũng do cha mẹ quyết định. Con học ở đâu, học trường gì, học môn học ngoại ngữ nào... đều do cha mẹ sắp xếp. Rồi đến lúc nào đó con khôn lớn, trưởng thành, nếu lúc đó cha mẹ đưa ra lời khuyên, thái độ của con sẽ khó chịu, bực bội.

TS Vũ Thu Hương cho rằng, chúng ta dạy con luôn kết nối giữa thế hệ nọ với thế hệ kia. Chúng ta không muốn xa con. Bố mẹ luôn mong muốn con là cuộc đời nối dài của bố mẹ như phải theo nghề của bố mẹ, học những môn học bố mẹ cho là tốt... Nhiều cha mẹ còn mong chờ con báo hiếu nên cha mẹ thường rất khó trả con về với cuộc đời.

“Nếu yêu con hãy trả con về với cuộc đời. Đó là điều rất khó khăn, là sự hi sinh rất lớn nhưng khi con làm chủ cuộc đời, làm chủ tình yêu và hạnh phúc của mình thì con mới là người đang tận hưởng cuộc sống” - TS Vũ Thu Hương chia sẻ.

Cuốn sách “Cha mẹ là số phận của con cái” không chỉ được viết bằng tư duy của một người làm khoa học, đó còn là từ trái tim của một người mẹ với khát khao thay đổi quan niệm sống của nhiều người Việt Nam trong việc nuôi dạy trẻ cho phù hợp với thời đại và góp phần tạo dựng thế hệ mới hiểu biết, lương thiện, sống trách nhiệm và có tình có lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.