Sau 5 năm nghiên cứu, các nhà khoa học Anh vừa phát minh ra một loại tơ nhện nhân tạo để chữa bệnh.
Vật liệu tơ nhện mới được tổng hợp từ vi khuẩn E.coli cùng các chất đàn hồi, kháng khuẩn khác nhau, giúp sản xuất loại băng gạc che phủ vết thương hở và giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Đại học Nottingham (Anh) cho biết: “Khả năng tương thích sinh học cao cùng tính chất thúc đẩy quá trình tự hồi phục của vật liệu sẽ phát huy hiệu quả trong các lĩnh vực kỹ thuật mô và y sinh”.
Cấu tạo của tơ nhện này được làm từ protein, tơ nhện nên hầu như không gây ra bất kỳ loại phản ứng miễn dịch, viêm hoặc dị ứng nào và dễ dàng phân hủy tự nhiên.
Nhóm nghiên cứu tiết lộ, chính cư dân Hy Lạp và La Mã cổ đại, là những người phát minh ra cách cầm máu cho binh lính bằng gạc tơ nhện cách đây hàng nghìn năm. Theo đó, những người lính sử dụng hỗn hợp mật ong, dấm làm chất khử trùng, và sau đó băng lại bằng tơ nhện để bảo vệ vết thương.
Các nhà khoa học tiếp thu ý tưởng này và hiện đại hóa nó bằng công nghệ. Thay vì sử dụng tơ nhện thực sự, họ sản xuất tơ đại trà bằng cách nuôi vi khuẩn E. coli mang gen tạo tơ trong phòng thí nghiệm.
Tiếp đến, nhóm tác giả nhận ra họ có thể “trang trí” tơ bằng cách phủ lớp kháng sinh levofloxacin, vốn thường dùng điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn.
Tơ nhện tạo thành từ protein nên có tính thích nghi sinh học cao
Để dễ hình dung, các công đoạn tương tự như việc nhuộm màu sợi vải thông thường, nhưng trên một kích thước nhỏ hơn rất nhiều. Quá trình giúp gắn chất kháng sinh vào các thành phần nguyên liệu cần thiết tạo thành tơ nhện nhân tạo.
Các chuyên gia của Đại học Nottingham cho biết: “Từ khi bắt đầu, chúng tôi đã cố gắng phát triển loại băng sinh học tiên tiến cho tương lai. Hy vọng kết quả này là khởi đầu thú vị cho những công trình ứng dụng tiếp theo”.