Đừng lo chất lượng đầu vào khi điểm sàn hạ

Đừng lo chất lượng đầu vào khi điểm sàn hạ

(GD&TĐ) - Không nên có hai mức điểm sàn khác nhau. Cần phải tính toán để đạt được con số 40% trên tổng số thí sinh, nhằm rộng nguồn tuyển. Đừng ngại về chất lượng khi điểm sàn hạ, bởi cách học và phương thức học ở bậc ĐH là hoàn toàn khác phổ thông. TS Lê Thị Thanh Mai -  Trưởng ban Công tác sinh viên ĐHQG TPHCM hiến kế.

 TS Lê Thị Thanh Mai
TS Lê Thị Thanh Mai

Muốn lấy điểm sàn như thế nào thì cần phải căn cứ trên kết quả điểm thi của thí sinh. Vì vậy, việc Bộ GD&ĐT dự kiến việc xác định điểm sàn theo phổ điểm ba môn thi là tương đối hợp lý.

Riêng với  luồng ý kiến cho rằng cần có 2 mức điểm sàn khác nhau tôi nghĩ là không hợp lý.

Chúng ta nên chỉ có một mức điểm sàn làm tiêu chuẩn. Trong đó, mức điểm sàn cần phải được tính toán làm sao để đạt được con số 40% trên tổng số thí sinh. Chứ như cách tính hiện nay, chúng ta chưa đạt được con số 40% thì rất hẹp nguồn tuyển cho các trường.

Đặc biệt, khi chúng ta quyết định một mức điểm sàn không nên căn cứ vào kiểu “ép”, dự đoán chủ quan, thí sinh khi không trúng tuyển sẽ sang học ngành khác ở trong hoặc các trường thí sinh thi.

Bởi thực tế nhiều năm qua cho thấy, thí sinh chọn ngành học còn dựa vào rất nhiều yếu tố khác nhau, những yếu tố đó không bao giờ theo một quy luật nhất định.

Việc nâng cao tỉ lệ phần trăm thí sinh (giảm điểm sàn) trên mức điểm sàn sẽ việc tạo cơ hội cho thí sinh, cho chính các trường khó khăn về nguồn tuyển.

Chúng ta đừng lo ngại về chất lượng đầu vào khi điểm sàn hạ. Bởi trong thực tế cách học và phương thức học ở bậc ĐH là hoàn toàn khác phổ thông. 

3 môn thi dạng điều kiện trúng tuyển của các em hoàn toàn thuộc kiến thức phổ thông, nên việc đào tạo và giảng dạy như thế nào trong suốt quá trình học ĐH của các trường, của chính các em mới là điều quan trọng. Bộ  cần hướng công tác tuyển sinh theo hướng này.

Đặc biệt, việc xây dựng và xác định chỉ tiêu cần phải tính đến yếu tố ngành nghề của thí sinh. Cần dựa vào những nguồn dữ liệu chúng ta sẵn có từ nhiều năm nay để tính toán và cân đối nguồn tuyển một cách “mở” hơn, chắc chắn lượng thí sinh trúng tuyển ảo, số lượng thí sinh đạt điểm trúng tuyển nhưng không học ngành khác, trường khác sẽ được bù đắp… Cơ hội tuyển sinh của các trường địa phương, trường NCL sẽ bớt căng thẳng hơn. 

Từ ngày 2/3, Báo Giáo dục & Thời đại (gdtd.vn) và Báo Dân trí (dantri.vn) mở diễn đàn “Hiến kế xây dựng phương án điểm sàn mùa tuyển sinh 2013”. Các phương án của bạn đọc đề xuất sẽ được đăng tải trên báo để trao đổi, tranh luận. Mọi ý kiến tham gia diễn đàn xin gửi về email: diemsan2013@gmail.com

    TS Lê Thị Thanh Mai -  Trưởng ban Công tác sinh viên ĐHQG TPHCM

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ