Kỳ 2:
Cần lắm những tấm lòng sẻ chia
Hơn 11 giờ trưa, sau nửa ngày đường chạy xe máy xuất phát từ thành phố Thanh Hóa, tôi cũng đến được trung tâm xã Trung Lý (huyện Mường Lát). Từ dưới đường, nhìn ngược lên trên sườn núi, chúng tôi thấy có hàng chục túp lều học sinh dựng lên để trọ học, ven Trường Tiểu học và THCS Trung Lý 1.
Thầy giáo Tào Văn Sinh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 1 cho biết: “Vẫn còn 30 học sinh của nhà trường hiện đang phải ở trọ trong các lều tạm, chủ yếu các em ở cùng anh chị đang học trường cấp 2.
Nhà các em ở quá xa trường nên bố mẹ các em phải dựng lều cho các em trọ học”. Chúng tôi đếm được có hơn 30 túp lều của học sinh nơi đây. Mỗi căn lều rộng khoảng 3 – 5m2, vách được làm bằng thân cây nứa đập dập đan lại với nhau, mái lợp bằng lá cọ, có vài cái được lợp bằng tấm bạt nhựa, ở bốn góc là bốn cây cột được làm từ những thân cây luồng.
Mỗi túp lều có một góc làm bếp nấu, phần còn lại là chỗ ngủ, cũng là nơi học tập mỗi khi từ trường về. Vài học sinh đang kéo bạt lợp cho túp lều vừa mới dựng, nơi ăn ở cho cả một năm học. Thường thì có khoảng 3 - 5 học sinh ở chung với nhau trong một lều.
Lách qua tấm phên cửa, bước vào một túp lều của hai học sinh lớp 6 là Phàng A Dơ, Phàng A Thầy, chúng tôi nghẹn lòng khi trực tiếp chứng kiến bữa ăn trưa của hai em. Bữa cơm không có gì khác ngoài cơm nguội và măng rừng. Dơ bảo nhà em ở bản Pá Búa (xã Trung Lý), thường thì mỗi tuần Dơ và Thầy về nhà một lần để gùi gạo lên trường.
Gạo thì mùa này vẫn đủ, khi giáp hạt thì Dơ chờ gia đình được cấp gạo cứu đói để xin gia đình một ít. Thức ăn thì các em phải tự túc hoàn toàn. Mùa măng ăn măng, mùa rau rừng ăn rau rừng, hôm bẫy chuột, khi xuống suối bắt cá, kiếm được thứ gì làm thức ăn thì ăn thứ đó, nếu không kiếm được thì cứ nấu cơm ăn, chan nước suối ăn vã như thế thôi.
Phàng A Thầy cho hay nhà các em ở cách xa trường, ngày trước để đến trường phải trèo đèo lội suối rất vất vả và nguy hiểm vì thế các em đã rủ bạn dựng lên chiếc lều này để ở, tiện cho việc học hành. Thao Văn Pó, chủ nhân chung với ba học sinh trong một túp lều cỏ khác thì lạc quan nói: “Ở thế này nóng lắm nhưng quen rồi”.
Thầy giáo Tào Văn Sinh chia sẻ với chúng tôi về mong muốn có được một dãy phòng ở khang trang cho các em lưu trú: “Thầy trò cũng như phụ huynh học sinh vẫn đang rất mong mỏi Nhà nước xây dựng cho các em một khu nhà khang trang, để các em có thể tránh mưa nắng, giá rét. Dù vậy đến nay mong muốn ấy vẫn chưa đạt được. Vì thế chúng tôi vẫn phải chấp nhận để các em ở tạm trong các lều cỏ. Cũng mừng là các em rất ham học, chịu khổ để học tập chứ không thì các em đã bỏ học hết rồi”.
Cô giáo Ngô Thị Lan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Chung cho biết trường vẫn còn hơn 70 học sinh phải ở lều lán cạnh trường. Chủ yếu đây là những học sinh ở các bản xa xôi về trọ học cạnh trường. Bữa cơm của các em không gì ngoài cơm trắng, nước suối. Hiện nhà trường đã thu xếp 1 phần đất trong khuôn viên để các em dựng lều trọ học, giáo viên trong trường cũng dựng một phòng học tranh tre nứa lá ở trung tâm để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Khu lớp học của 98 học sinh bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa |
Mong vòng tay chia sẻ
Với 98 học sinh tiểu học ở bản Ón, xã Tam Chung, trường học không chỉ là nơi học chữ mà còn như là căn nhà thứ hai. Sáng tinh mơ lũ trẻ trong bản đã ríu rít đến lớp, ngoài sách vở, đồ dùng học tập có thêm một thứ không thể thiếu là một phần cơm trắng gói trong túi ni-lông. Học xong buổi học sáng lũ học trò kéo nhau ra con suối Ón tắm thỏa thích. Sau đó lũ học trò nghèo mang cơm nắm ra ăn. Mỗi đứa một túi cơm, ăn no rồi múc nước suối uống, bữa trưa không hề có thêm loại thức ăn nào. Ăn uống song cả lũ lại kéo vào lớp học nằm lăn ra ngủ.
Hầu như chẳng đứa nào về nhà buổi trưa. Cô giáo Phan Thị Phế bảo: “Bọn em mới chỉ áp dụng dạy học một buổi nhưng thấy học sinh yêu trường lớp, ở lại trường cả buổi chiều thế là bọn em lại tổ chức dạy kèm miễn phí cho chúng, rồi tổ chức các hoạt động vui chơi, lũ trẻ thích lắm. Phụ huynh học sinh cũng vì thế càng quý giáo viên, để lũ trẻ ở trường họ yên tâm lắm, đã có bọn em trông lũ trẻ còn gì, dân bản vào rừng từ sáng sớm tới chiều muộn, khi đi làm về qua trường là đón con về luôn”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các chính sách dành cho học sinh vùng cao các học sinh ở Mường Lát đều được nhận như quy định của nhà nước. Tuy nhiên việc cấp phát tiền chưa được kịp thời nên sự ưu việt trong chính sách của Nhà nước vẫn chưa phát huy hết tác dụng.
Thầy giáo Trần Anh Văn - Hiệu phó Trường THPT Mường Lát cho chúng tôi biết: “Tiền hỗ trợ cho học sinh bán trú (mức bằng 40% lương tối thiểu) trong năm học vừa qua các em trong trường vẫn chưa nhận được, nhiều em học sinh lớp 12 đã tốt nghiệp vẫn gọi điện, tìm gặp nhà trường để hỏi về khoản tiền này”.
Trong khi đó, thầy giáo Tào Văn Sinh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 1 cho hay: “Nhà trường tiến hành lập hồ sơ đối tượng học sinh được nhận các khoản tiền Nhà nước hỗ trợ học sinh bán trú, hỗ trợ học tập… Sau đó UBND xã sẽ nhận kinh phí và cấp cho các em và gia đình.
Tuy nhiên, tùy thuộc vào nguồn kinh phí mà học sinh ở đây có khi nhận tiền hỗ trợ theo tháng, có lúc lại nhận theo kỳ”. Như vậy, nhiều khi các học sinh và gia đình nhận tiền hỗ trợ một lần theo kỳ mà không theo tháng đã khiến chính sách ưu việt của Nhà nước không phát huy hết tác dụng. Chính vì vậy học sinh và gia đình vẫn gặp khó khăn trong con đường học tập của lớp trẻ. Và vì vậy, đó cũng là một phần lí do khiến những bữa cơm trưa của học trò nghèo càng thiếu thức ăn.
Chợt nhớ tới những day dứt, trăn trở của những giáo viên cắm bản. Cô Ngô Thị Lan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Chung mong mỏi: “Mong sao những tổ chức từ thiện, những tấm lòng hảo tâm biết đến những cảnh khó khăn của lũ trò nghèo vùng cao Mường Lát mà giang rộng vòng tay chia sẻ, để con đường học tập của các em bớt đi phần khó khăn, gian khổ.”
Hoàng Dũng