Đứng lên đáp lời sông núi...

Đứng lên đáp lời sông núi...

(GD&TĐ) - Ngày 19-12-1946, khi Hồ Chủ tịch ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, họ là những thanh, thiếu niên nhiệt huyết đã đứng lên đáp lời sông núi, tham gia tích cực vào các hoạt động cách mạng ở địa phương. Giờ đây, khi đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, những nhân chứng sống ấy đã kể lại cho các thế hệ cháu con hiểu sâu hơn về khí thế cách mạng sục sôi ở nhiều vùng, miền trong cả nước.

Đ
Đại tá Nguyễn Trọng Hàm
Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, Trưởng ban liên lạc Chiến sĩ quyết tử Liên khu I, Trung đoàn Thủ đô:
Tôi là người sinh ra, lớn lên ở phố Hàng Thiếc (Hà Nội) và tham gia chống Nhật, Pháp từ những ngày tiền khởi nghĩa. Thời điểm Bác Hồ phát động Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, tôi đang là Đại đội trưởng Đại đội Tự vệ phố Hàng Thiếc và trực tiếp chiến đấu cùng quân dân Thủ đô trong 60 ngày đêm quyết tử.
Ngày ấy, Đại đội Tự vệ phố Hàng Thiếc gồm hơn 120 chiến sĩ đã cùng nhân dân tổ chức đào giao thông hào, rải chướng ngại vật, đục thông từ nhà nọ sang nhà kia tạo thành “trận đồ bát quái” để cản bước và đánh trả quân Pháp. Thật cảm phục ý chí chiến đấu của người dân Hà Nội khi có nhiều tài sản, vật dụng trong gia đình như bàn, ghế, tủ, giường và cả bàn thờ đã được họ vứt xuống đường để ngăn bước quân thù. Với những vũ khí thô sơ như: súng trường, súng ngắn, mã tấu, dáo mác... nhiều công nhân, thợ thủ công từ nơi khác tới làm thuê trong các lò thủ công cũng đã tự nguyện đứng vào hàng ngũ chiến đấu cùng các hộ gia đình. Trong những trận đánh quyết tử, chúng tôi đã phá hủy 2 xe tăng, diệt 20 tên địch, trận địa phố Hàng Thiếc cùng các tuyến phố: Bát Đàn, Hàng Bồ, Thuốc Bắc đã được giữ vững cho đến đêm 17-2-1947 - khi chúng tôi nhận lệnh rút quân khỏi Thủ đô để bảo toàn lực lượng. 
Đại tá Kim Sơn
Đại tá Kim Sơn
Đại tá Kim Sơn (tức Nguyễn Hữu Văn), nguyên Đội viên Đội tuyên truyền Thiếu sinh quân Chiến khu I-Liên khu 10: 
Khi tiếng súng Toàn quốc kháng chiến nổ ra, tôi mới 16 tuổi và là đội viên Đội Tuyên truyền Thiếu sinh quân Chiến khu I. Đội gồm 20 người, ngoài một số người lớn tuổi phụ trách các mặt: văn nghệ, y tá, cấp dưỡng... số còn lại đều trong độ tuổi thiếu niên từng tham gia nhi đồng cứu quốc, làm liên lạc và tiếp tế cho cán bộ cách mạng hoạt động trong thời kỳ tiền khởi nghĩa....
Tôi còn nhớ khi Đội chuyển sang đóng quân ở Việt Trì, chúng tôi đã có các cuộc diễu hành trên đường phố, hô vang các khẩu hiệu động viên, cổ vũ cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Chúng tôi còn thâm nhập vào các gia đình thăm hỏi, nói chuyện, tổ chức mít tinh, diễn thuyết ở các phiên chợ, kẻ khẩu hiệu, vẽ chân dung Hồ Chủ tịch, vẽ tranh cổ động cỡ lớn trên các bức tường và biểu diễn văn nghệ...
Trong lần hành quân lên Mường Khương, Lào Cai, chúng tôi đã đụng phải lực lượng phỉ do “lãnh chúa” Hoàng La Ú cầm đầu. Khi nhận được tin báo “có một đơn vị bộ đội Việt Minh đang tiến lên”, Hoàng La Ú đã bí mật điều hàng trăm quân xuống phục kích ở một đoạn đường hiểm trở, song khi nhìn thấy đội quân Việt Minh này hơi “khác” bởi phần lớn còn nhỏ tuổi, có rất nhiều kèn, trống, lại vừa đi vừa hò hát, không có vẻ gì là “hành quân chiến đấu”... nên họ đã không nổ súng.
Qua nhiều cuộc đấu trí, thử thách căng thẳng, bằng thái độ khéo léo và hành động cụ thể, chúng tôi đã thuyết phục được Hoàng La Ú bằng sự chân thành, mong muốn đoàn kết, hợp tác để cùng đánh Pháp và xây dựng chế độ mới. 
Trung tướng Nguyễn Ân
Trung tướng Nguyễn Ân
Trung tướng Nguyễn Ân, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân I (nay là Đại học Trần Quốc Tuấn):
Trước khi Hồ Chủ tịch ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến một ngày, Liên khu I chỉ thị cho tỉnh Bắc Giang và huyện Yên Thế tổ chức ngay một Đội quyết tử quân. Huyện Yên Thế đã lấy Đội tự vệ chiến đấu ở xã Bố Hạ gồm 60 đồng chí do tôi phụ trách làm nhiệm vụ này.
Đội đã tập trung lên Cao Thượng -nơi cơ quan Liên khu I đóng quân và chiều ngày 19-12-1946 chúng tôi đã xuống thị xã Bắc Giang phối hợp cùng Tiểu đoàn 517 - Trung đoàn 36 tiến công vào khu vực sân vận động của tỉnh. 
Đêm hôm sau, Đội quyết tử quân đã đột nhập vào dãy nhà câu lạc bộ của sân vận động do quân Pháp chiếm đóng. Đúng 0 giờ 21-12-1946, chúng tôi nổ súng tiến công địch. Trận đánh diễn ra đến rạng sáng thì ta chiếm được một số căn nhà và dồn quân địch về khu đông nam. Địch phản kích liên tục và cuộc chiến đấu giằng co đến hết ngày 21-12. Ngay đêm hôm ấy, chúng tôi bàn giao khu vực phía tây bắc cho Tiểu đoàn 517 rồi rút xuống phía nam cầu Bắc Giang và tổ chức phòng ngự ở phố Đò, chặn quân địch từ Bắc Ninh lên tiếp viện cho đồng bọn.  
Trung tướng Tiêu Văn Mẫn
Trung tướng Tiêu Văn Mẫn
Trung tướng Tiêu Văn Mẫn, nguyên Phó Tư lệnh về chính trị Quân khu 5: 
Thời điểm phát Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến 65 năm trước, tôi đang làm liên lạc cho xã đội Hành Minh (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) và đã được tận mắt chứng kiến một phong trào cách mạng sục sôi ở địa phương kể từ sau khởi nghĩa Ba Tơ (tháng 3-1945). Vốn là những thiếu niên ở độ tuổi 12-13 từng phải đi ở cho phú nông nên chúng tôi đã sớm được giác ngộ cách mạng và tham gia vào các hoạt động như: làm liên lạc, chuyển thư tín, công văn, giấy tờ cho Việt Minh...
Hồi đó, nhà tôi chỉ có hai anh em, tôi là lao động chính trong gia đình, nhưng khí thế sục sôi của quần chúng nhân dân đã “cuốn” những cậu bé đang ở tuổi chăn trâu cắt cỏ vào tham gia phục vụ cách mạng. Không chỉ nhà tôi mà rất đông con em ở độ tuổi thiếu niên trong các gia đình cũng nhiệt tình tham gia xuống đường, giương cao biểu ngữ và hô to những khẩu hiệu: “Đả đảo thực dân Pháp”, “Quyết hy sinh tới giọt máu cuối cùng”...
Đáp lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, sau những tháng ngày hoạt động cách mạng ở quê hương Hành Minh, một ngày đầu năm 1951, tôi đã rủ người bạn cùng xóm tên là Nguyễn Văn Sĩ cùng ba thanh niên trong xã cuốc bộ cả ngày lẫn đêm từ Nghĩa Hành tới Đức Phổ để xin nhập ngũ vào Trung đoàn 40, kể từ đây, cuộc đời cách mạng của tôi đã chuyển sang bước ngoặt mới và sau đó là quãng thời gian hơn 40 năm quân ngũ...
Bùi Vũ Minh (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ