Cứ vào dịp cuối năm, các hội văn học nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương đều tổ chức nhiều cuộc họp nhằm tổng kết hoạt động của năm, thông qua kế hoạch kết nạp hội viên mới, bầu chọn tác phẩm đưa vào giải thưởng.
Trong số các hội chuyên ngành đó thì có vẻ như Hội Nhà văn Việt Nam được quan tâm nhiều nhất, và việc kết nạp hội viên mới luôn là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm”, mà “cứ nói mãi”.
Theo thông tin từ trang web của hội này, về Kỳ họp thứ 8 khóa 10 của Ban Chấp hành Hội, “Vì số lượng những nhà văn hội viên cao tuổi qua đời thời gian qua khá nhiều, trong khi có hơn 900 hồ sơ đăng ký gia nhập hội với nhiều tác giả có tác phẩm sáng tác tương đối chất lượng, có trường hợp hồ sơ nằm chờ 10 - 15 năm, nên Ban chấp hành quyết định nâng cao số lượng kết nạp hội viên mới”.
Như vậy, số lượng hội viên kết nạp mới cụ thể là bao nhiêu thì chưa biết, nhưng chắc chắn cao hơn năm trước. Và tiêu chí để xét kết nạp, ngoài “tác phẩm sáng tác tương đối chất lượng” thì còn nhiều lý do khác. Không biết lý do nào là chính, lý do nào là phụ.
Hơn 900 hồ sơ đăng ký gia nhập hội cũng là một con số ấn tượng, trong đó có những hồ sơ nằm chờ lâu tới hàng thập kỷ. Thực tế này đã tồn tại nhiều năm nay, và năm nào cũng được xới lên. Đằng sau là rất nhiều chuyện “hậu kỳ”, bên lề, tốn công tốn sức, cũng như nhiều tình huống, nhiều tâm tư.
Có người chờ từ lúc tóc còn xanh, đến khi đầu đã bạc. Có người đợi ròng rã mấy chục năm, khi có quyết định thì lại viết thư ngỏ xin nhường cơ hội cho người khác trẻ hơn. Có người đã ra đi rồi mà vẫn còn niềm khắc khoải vì công chưa thành danh chưa toại.
Tác phẩm sinh ra tác giả. Thực tế, có những tác giả không có trong danh sách Hội Nhà văn Việt Nam nhưng tác phẩm của họ có người đọc, bản thân họ luôn ý thức sâu sắc về nghề viết. Ngược lại, không ít người sở hữu tấm thẻ hội viên nhưng tác phẩm mờ nhạt, yếu ớt, nhiều về số lượng mà ít độ lắng.
Cũng không biết từ bao giờ có quan niệm cho rằng trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đồng nghĩa với việc trở thành các “nhà”: Nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình. Tất nhiên, không thể đòi hỏi mọi người sáng tác phê bình sống được bằng tác phẩm. Nhưng quả thực chúng ta có quá nhiều “nhà”, nhiều giải thưởng, nhiều danh hiệu, mà tên tuổi thì lại vô cùng ít ỏi. Hội Nhà văn là đích đến của chữ “danh” trong nghề viết.
Danh xưng nhà văn vốn rất được coi trọng. Nhà văn là nhà văn hóa, nhà tư tưởng. Để xứng với danh xưng đó, ngoài tài năng trời phú còn là cả một quá trình lao động sáng tạo, gom góp những hạt bụi vàng để tạo nên bông hồng vàng - những tác phẩm dự phần vào đời sống tinh thần của nhân dân, mang tiếng nói của thời đại và lương tri, phẩm giá và khát vọng con người.
Thế nên, đừng lạm dụng, “nhà”… ơi!