Đừng gieo điều xấu vào đầu con trẻ

GD&TĐ - Tôi được người bạn mời đi uống cà phê cùng gia đình, sau khi nhận phiếu tính tiền, bạn tôi bảo đứa con 8 tuổi mang tiền vào quầy thanh toán. Tôi bảo anh sao không đi lại để cho trẻ con đi trả tiền, vì để chúng tiếp xúc với tiền bạc quá sớm là không tốt. Anh bảo do đang có một tờ tiền rách chưa tiêu được nên nhân tiện kẹp chung vào số tiền còn lại đưa cho con đi thanh toán nếu bị chủ quán phát hiện trả lại cũng đỡ ngại!

Ảnh minh họa,theo giadinh.net.vn
Ảnh minh họa,theo giadinh.net.vn

Có thể nói dù tiền rách nhưng trong giới hạn cho phép thì vẫn có giá trị, có thể lưu hành, thanh toán bình thường. Tuy nhiên, để đưa vào lưu hành đàng hoàng thì tốt nhất người đang có tiền rách phải đến ngân hàng đổi lấy tiền mới trước khi chi tiêu. Bởi vì, tiền đã rách, không còn nguyên vẹn thì người nhận tiền có thể từ chối thanh toán hoặc mất giá trị.

Trở lại câu chuyện trên, việc để trẻ em tiếp xúc với tiền bạc quá sớm là không nên, đằng này người lớn lại còn đưa trẻ vào “thế” phải gian dối, vụng trộm lại càng đáng trách hơn.

Mặc dù việc trả tiền rách không phải là xấu, vì người nhận thanh toán có thể từ chối, trả lại nhưng việc cố tình giấu giếm kẹp tiền rách chung với các tờ tiền khác nhằm đánh lừa người khác là không thể chấp nhận được. Hành vi này chẳng khác gì lừa đảo, gian dối, trộm cắp tài sản của người khác!

Thực tế là sau khi “trả được” tiền, mà trong đó có một tờ tiền rách đứa bé mừng rỡ, vui sướng chạy ra “khoe” với bố mẹ như lập làm được một việc tốt, có ích nào đó hoặc như được cô giáo cho điểm 10 vậy! Chúng đâu có biết rằng hành vi vừa thực hiện là hành vi gian dối, việc làm xấu, đáng ra không nên làm. Đây là việc làm rất phản cảm, tác hại tiêu cực đến tâm hồn , nhận thức của trẻ em, chẳng khác nào khuyến khích trẻ em làm điều xấu.

Hành động của người lớn, nhất là khi họ là bố mẹ sẽ để lại những ấn tượng rất sâu đậm trong tâm trí của trẻ em, con cái lâu dài về sau. Đặc biệt, nhân cách của trẻ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khi lớn lên bởi những hành động không chuẩn mực của người lớn ngày hôm nay.

Do đó, người lớn nhất là các bậc làm cha, làm mẹ không nên xem nhẹ những hành động hàng ngày của mình, vì tuy nhỏ nhưng tác hại sẽ rất lớn, nhất là các hành động, việc làm trái pháp luật, không phù hợp với đạo đức xã hội.

Đặc biệt là không nên sai bảo, tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc, thực hiện những hành vi sai trái, không chuẩn mực. Bởi vì, việc giáo dục nhân cách, đạo đức đúng đắn ngay từ khi còn nhỏ sẽ góp phần quan trọng trong việc định hình nhân cách, lối sống văn minh, lành mạnh cho thế hệ trẻ mai sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Động lực nâng cao chất lượng

GD&TĐ - Mùa tuyển sinh 2024, ĐHQG TPHCM tiếp tục dành từ 5% đến tối đa 20% tổng chỉ tiêu cho phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của đại học này.