Quy trình vi nhân giống cây trầu bà đế vương đỏ sử dụng đèn LED do nhóm tác giả Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM nghiên cứu xây dựng tạo ra nguồn cây cảnh có sức sống tốt.
Loại cây cảnh có giá trị cao
TS Trịnh Thị Hương, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM cho biết, cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, nhu cầu đưa cây cảnh vào không gian sống của con người ngày càng tăng. Trồng cây cảnh trong nhà ngoài mục đích trang trí còn đóng góp vai trò giống như một bộ lọc giúp cải thiện chất lượng không khí.
Trầu bà đế vương đỏ đang rất được ưa chuộng trên thị trường cây cảnh. Cây có tán lá rộng hình tim, thuôn dài nhọn ở đầu, khi còn non lá có màu đỏ tía hoặc xanh nõn, khi trưởng thành thì chuyển thành màu xanh lục đậm hoặc đỏ thẫm. Cây có hình dáng đẹp thể hiện tinh thần đế vương. Vì thế, loài cây này rất phù hợp cho mục đích trồng chậu và trang trí nội thất.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với cây trầu bà đế vương đỏ thì việc nhân giống là điều cần thiết. Phương pháp nhân giống truyền thống chủ yếu là giâm cành. Tuy nhiên, phương thức nhân giống này cho số lượng cây con từ mỗi lần giâm thấp, cây dễ nhiễm bệnh và tốn thời gian công sức.
Do đó, việc tìm ra phương thức nhân giống mới nhằm sản xuất được lượng cây giống lớn trong thời gian ngắn và kiểm soát được nhiễm bệnh là rất cần thiết. Hiện nay, vi nhân giống là một trong những kỹ thuật rất tiềm năng để giải quyết được các vấn đề nói trên.
TS Trịnh Thị Hương cùng các cộng sự đã nghiên cứu quy trình vi nhân giống cây trầu bà đế vương đỏ thông qua sử dụng hệ thống chiếu sáng đơn sắc (LED). Nghiên cứu sử dụng nguồn mẫu thực vật ban đầu là chồi của cây trầu bà đế vương đỏ được nuôi cấy in vitro trong môi trường MS, có bổ sung 30 g/L sucrose, 8,0 g/L agar, do Phòng thí nghiệm Công nghệ tế bào thực vật, Viện Sinh học nhiệt đới TPHCM cung cấp.
Ánh sáng quyết định tỷ lệ đâm chồi
Các môi trường cơ bản sử dụng trong nghiên cứu là môi trường MS có bổ sung 30 g/L sucrose, 8,0 g/L agar, pH 5,8 trước khi hấp khử trùng ở nhiệt độ 121 độ C, áp suất 1 atm trong 15 phút. Tuỳ thuộc vào mục đích của mỗi thí nghiệm mà các chất điều hòa sinh trưởng thực vật (BA hoặc IBA) với nồng độ khác nhau được bổ sung vào môi trường nuôi cấy. Môi trường MS sử dụng ở dạng pha sẵn và các chất điều hòa sinh trưởng thực vật sử dụng trong nghiên cứu thuộc hãng Duchefa Biochemie (Hà Lan).
TS Trịnh Thị Hương cho biết, nhóm nghiên cứu đã đưa ra được một quy trình nhân giống cây trầu bà đế vương hiệu quả. Trong đó, môi trường thích hợp để nhân nhanh chồi là MS + 1,5 mg/L BA với số chồi mới tạo thành đạt 6,5 chồi/mẫu, chiều cao trung bình là 3,14 cm sau 6 tuần nuôi cấy.
Đối với giai đoạn ra rễ, môi trường thích hợp là MS + 0,5 mg/L IBA + 30 g/L đường + 8,0 g/L agar. Cây con ra rễ nhiều, sinh trưởng tốt khi được trồng ở điều kiện vườn ươm với tỷ lệ sống sót đạt 100%.
Nhóm cũng đã nghiên cứu ảnh hưởng của đèn LED đến quá trình vi nhân giống của cây trầu bá đế vương đỏ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong giai đoạn nhân nhanh chồi, dù là đối với mẫu bị cắt hay không cắt bỏ chồi ngọn, thì tỷ lệ ánh sáng đèn LED trắng 100% là lựa chọn thích hợp, để có thể thu được nhiều chồi, hệ số nhân giống cao và chất lượng chồi tốt.
Trong giai đoạn ra rễ tạo cây con hoàn chỉnh, tỷ lệ ánh sáng đèn LED 2Đ:8X là điều kiện ánh sáng thích hợp nhất cho cây ra rễ với số lá/mẫu nhiều, khối lượng tươi lớn, số lượng khí khổng tương đối ít và cây phát triển tốt.
Khi đánh giá sự thích nghi của cây con ngoài vườn ươm, tỷ lệ ánh sáng đèn LED xanh, 2Đ:8X là điều kiện ánh sáng thích hợp cho cây sinh trưởng, phát triển tốt và thích nghi ổn định nhất.
Các kết quả đạt được của nghiên cứu góp phần xây dựng một quy trình vi nhân giống loài cây này có hệ số nhân giống cao, chất lượng cây giống tốt để cung cấp cho thị trường cây cảnh ở Việt Nam.