Đừng để Tết dềnh dang!

GD&TĐ - Nhịp độ khẩn trương của thời đại mới không cho phép chúng ta dềnh dàng, lãng phí thời giờ, tiền của vào các cuộc chơi kéo dài.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới Quý Mão (mùng 6 tháng Giêng, tức 27/1/2023), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết.

Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu cán bộ, các cơ quan thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động. Khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay từ ngày làm việc đầu tiên, đặc biệt là những tồn đọng, chậm tiến độ do nghỉ Tết và thủ tục trực tiếp liên quan đến sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp và người dân.

Đồng thời, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không tổ chức du xuân, liên hoan, chúc Tết làm ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm việc. Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính; không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ.

Không phải ngẫu nhiên người đứng đầu Chính phủ đưa ra yêu cầu như vậy! Có một thực tế là dịp trước, trong và sau Tết, tinh thần, thái độ làm việc của không ít cán bộ, công chức, cơ quan công quyền rất thiếu nghiêm túc.

Sự “trễ nải” trong tâm lý và công việc có thể xuất hiện từ Rằm tháng Chạp rồi kéo dài đến hết “tháng ăn chơi”. Trước Tết, người ta tặc lưỡi: “Để ra Tết rồi tính”.

Tới lúc “ra Tết”, người ta lại sa đà chúc tụng, thăm hỏi, liên hoan…; tranh thủ đi sớm về muộn để đi chùa, đi lễ mặc cho những việc tồn đọng trước Tết khá nhiều. Ngày làm việc đầu tiên của năm mới, nhiều người chỉ xuất hiện ở cơ quan theo kiểu “đánh trống ghi tên” hoặc “cho có”, “cho phải phép”… rồi lại “mất hút” vì việc riêng.

Bởi vậy, không hiếm công sở rơi vào tình trạng vắng vẻ, đìu hiu dịp cận và sau Tết khiến cho người dân, doanh nghiệp lỡ dở công việc, nhất là những việc liên quan đến giấy tờ hành chính.

Ông bà ta có câu “tháng Giêng, ăn nghiêng bồ thóc”. Câu tục ngữ này không chỉ hàm ý đây là quãng thời gian “tiêu tốn” nhiều vật lực, sức lực của con người, mà còn nhắc nhở về một thái độ, một trách nhiệm rất đáng suy ngẫm.

Nhịp độ khẩn trương của thời đại mới không cho phép chúng ta dềnh dàng, lãng phí thời giờ, tiền của vào các cuộc chơi kéo dài. Sau những ngày Tết, cuộc sống phải trở lại ổn định và bắt đầu một nhịp sống mới. Nhà nông phải xuống đồng; dân thợ thuyền, buôn bán phải khai trương, mở hàng; dân công sở phải làm vào ngày làm việc đầu năm…

Để những công chức thời công nghiệp, thời hội nhập không vận vào mình cái tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi” - vốn khai sinh trong xã hội nông nghiệp xưa - nhắc nhở, đôn đốc là cần nhưng chưa đủ.

Phải kèm theo đó là thay đổi cung cách quản lý con người và siết chặt kỷ luật hành chính. Có như vậy mới mong ai ai cũng bắt tay vào việc ngay những ngày Xuân mới, để không làm lỡ dở việc của người dân, doanh nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo dục 'mới' tại Indonesia hướng tới 4 trụ cột.

Lộ trình giáo dục mới của Indonesia

GD&TĐ - Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục Tiểu học và Trung học Indonesia, ngành Giáo dục cần cải thiện 4 trụ cột để đạt được mục tiêu 'Indonesia Vàng 2045'.