Nhìn con chỉ thích tha thẩn chơi và nói chuyện luyên thuyên một mình, không ít cha mẹ tỏ ra vô cùng lo lắng và không biết biểu hiện của bé như vậy có vấn đề gì không. Dưới đây là những lời khuyên của các chuyên gia, cha mẹ hãy tham khảo nhé!
Không "biến đổi" con theo ý cha mẹ
Mỗi đứa trẻ có một cá tính riêng, có trẻ hướng ngoại, rất hiếu động nhưng cũng có trẻ hướng nội, thích trầm tĩnh một mình và ít nói. Một số trẻ có năng khiếu, nhưng chỉ vì chưa được đặt vào môi trường thích hợp nên trẻ có phần “lạc lõng” trong thế giới của riêng mình. Trong trường hợp này, cha mẹ nên tìm cho trẻ những sách hay.
Nếu trẻ thích một số truyện chữ với nội dung đặc sắc dành cho thiếu nhi như: Con Bim trắng tai đen, Những tấm lòng cao cả, Truyện cổ Andersen, một số truyện của Nguyễn Nhật Ánh dành cho lứa tuổi nhi đồng như Chú bé rắc rối… thay vì truyện tranh thì cha mẹ hãy khuyến khích cho bé đọc. Cha mẹ nên cho con đọc vào những giờ nhất định và thay vì nói chuyện “tào lao”, có thể nói chuyện về sách với con. Bắt được đúng nhịp, có thể con bạn sẽ nói nhiều hơn.
Cũng có thể cho bé chơi thử với trẻ lớn hơn 1-2 tuổi, vì cũng đã có những trường hợp trẻ phát triển nhanh hơn bạn học, nên thấy những thứ mà các bạn chơi quá “đơn điệu” với mình. Cha mẹ cũng nên tìm cho con một vài lớp năng khiếu phù hợp với cá tính của bé như học đàn, học vẽ, học chơi cờ.
Khi đến những lớp năng khiếu này và có bạn cùng sở thích, con bạn sẽ trở nên hoạt bát hơn, vui vẻ hơn. Cha mẹ nên lựa cá tính của con mà mình dạy, đừng chỉ khăng khăng bắt bé “biến đổi” theo ý mình vì mỗi đứa trẻ là một thế giới riêng và càng lớn, trẻ càng bộc lộ sự khác biệt đó một cách rõ ràng.
Lắng nghe tiếng lòng trẻ
Thông thường, khi lên 3 tuổi, trẻ sẽ bước vào giai đoạn chuyển từ ngôn ngữ bên ngoài thành ngôn ngữ bên trong, nói chuyện một mình chính là biểu hiện của giai đoạn này, đó là khi bé nói ra những suy nghĩ trong đầu mình. Khi bé chìm đắm trong thế giới của riêng.
Cha mẹ cũng có thể dựa vào đặc điểm phát triển ngôn ngữ của bé để tận dụng cơ hội, kích thích khả năng sử dụng ngôn ngữ của bé phát triển mạnh mẽ, sẽ có hiện tượng nói chuyện một mình, cơ bản là nói ra hầu hết những điều trong lòng đang nghĩ, có những lúc những câu nói đó rất phù hợp với trò chơi mà bé đang chơi, có những lúc lại như là đang ở trong một thế giới tưởng tượng nào đó, ví dụ, là một câu chuyện hay sự việc đã hoặc sẽ xảy ra, thậm chí có những chuyện là do bé tưởng tượng ra.
Đây là giai đoạn phát triển tư duy rất quan trọng của trẻ, và nói chuyện một mình chính là cách chúng rèn luyện khả năng sử dụng từ ngữ.
Theo các chuyên gia tâm lý, sự phát triển ngôn ngữ của bé có liên quan chặt chẽ với môi trường giao tiếp hàng ngày, mọi người đều biết rằng, nếu thường xuyên nói chuyện với trẻ thì sẽ kích thích sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Điều đó không có nghĩa lúc nào cũng phải thao thao bất tuyệt, nếu như cha mẹ nói nhiều quá, trẻ sẽ không có cơ hội nói và suy nghĩ, như vậy, hiệu quả cũng không cao. Cách rèn luyện ngôn ngữ tốt nhất là cùng nói chuyện, trao đổi.
Đó chính là hình thức giao tiếp từ hai phía, tạo cho trẻ cơ hội thể hiện và suy nghĩ, thay vì chỉ lắng nghe từ một phía. Trong lúc giao tiếp không thể không đặt câu hỏi, những câu hỏi hay có thể tăng phần thú vị cho cuộc nói chuyện, càng hấp dẫn bé hơn, cha mẹ cũng nên chú ý dùng những câu hỏi mang tính “gợi mở”, không nên tạo áp lực cho trẻ, như vậy thì cuộc nói chuyện mới có hiệu quả.
Thường xuyên đọc sách, kể chuyện
Đọc sách phù hợp với độ tuổi là cách tốt nhất để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ. Cha mẹ nên thường xuyên đọc sách cho bé nghe, đồng thời khuyến khích bé tự kể lại một số tình tiết đơn giản trong những câu chuyện đó.
Cha mẹ có thể để bé tự dùng lời của mình để kể hoặc cũng có thể gợi ý cho bé. Ngoài ra, cũng có thể biên tập một số câu chuyện thành một màn kịch nhỏ, sau đó, cả nhà cùng phân vai để biểu diễn. Có nhiều thời gian vui vẻ bên người thân và bạn bè, trẻ sẽ dần dần thoát ra khỏi "vỏ ốc" của mình.