Đừng để chết vì… miếng ăn

GD&TĐ - Nhiều người đã quá quen với một lịch trình được xây dựng trong ăn uống, đi lại và sinh hoạt hàng ngày. Những thói quen này có thể tốt nhưng cũng có thể chưa thực sự phù hợp, thậm chí còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. 

Đừng để chết vì… miếng ăn

Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, Liên Hiêp Quốc, Đại sứ quán Thụy Điển và trung tâm Live&Learn phát động chiến dịch 7 ngày thách thức nhằm kêu gọi người dân trên toàn cầu thực hành lối sống bền vững nơi đô thị, hướng tới việc cải thiện chất lượng sống. Thử thách bao gồm 7 ngày đưa ra các giải pháp bền vững và thực tế, tập trung vào 3 nhóm (ăn uống, đi lại và sống bền vững). Tham gia thử thách này là dịp để mỗi cá nhân nâng cao nhận thức về những lựa chọn của mình, tác động của những lựa chọn này với môi trường.

7 ngày thách thức được coi như “bức tường” để mỗi người tham gia lựa chọn cách để vượt qua chính mình. Tùy vào điều kiện, hoàn cảnh, mỗi người có thể lựa chọn một hoặc nhiều thách thức từ các nhóm ăn uống, đi lại và sống, từ đó lập thời gian biểu hàng ngày về những lựa chọn thông minh bản thân sẽ thực hiện.

Theo bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Live&Learn, một người tham gia có thể chọn một chế độ ăn chay hàng ngày khi đang thực hiện thử thách hay đơn giản chỉ là ăn thực phẩm sản xuất tại địa phương, ăn ít thịt đỏ hoặc thay thịt đỏ bằng các loại thịt trắng và rau củ quả.

Với người lựa chọn sự thay đổi khi đi lại, thay vì di chuyển bằng các phương tiện có thể gây ô nhiễm môi trường thì chọn cách đi bộ hoặc xe đạp. Trong cuộc sống hàng ngày, hãy hợp tác với hàng xóm để tiết kiệm được nhiều năng lượng hơn. Hoặc có thể tìm phương thức mới để giảm thiểu chất thải/lãng phí thức ăn…

Chia sẻ về cách thực hiện thử thách trên, bà Đỗ Vân Nguyệt cho biết: Có người chọn cách chia sẻ đồ ăn trong nhà với hàng xóm trước khi họ đi vắng. Người thì chọn cách trồng rau xanh hoặc lắp bình lọc nước để hạn chế dùng bình nước đóng chai. “Chỉ những việc làm nhỏ vậy thôi nhưng nếu cộng dồn lại sẽ thực sự có ích cho môi trường” - bà Nguyệt nhận định.

Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Y Hà Nội, bà Hồ Kim Thanh đồng tình với việc kêu gọi cộng đồng thay đổi lối sống. Nguyên nhân do phần lớn người dân Việt Nam có thói quen, lối sống không lành mạnh. Điều này được chứng minh qua các điều tra liên quan đến sự thay đổi cơ cấu bệnh tật. Những bệnh liên quan đến lối sống không khoa học ngày một gia tăng. Đó là béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường… Theo đó, thay đổi lối sống bằng những việc làm đơn giản như ăn nhiều rau xanh, tăng cường hoạt động thể chất… là cách sống lành mạnh, là liều thuốc tốt nhất để phòng chống bệnh tật.

Những điều trên đã được khoa học chứng minh và cũng luôn được thầy cô nhắc nhở sinh viên trường y. Bởi bác sĩ muốn điều trị cho người bệnh, trước hết họ phải khỏe mạnh, phải biết sống tích cực, thân thiện với môi trường, từ đó hướng dẫn người bệnh làm theo. Tham dự thử thách trên là cơ hội để sinh viên ngành y thử sức mình, đồng thời học hỏi thêm nhiều kiến thức về xã hội.

7 ngày thách thức kêu gọi mọi người trên khắp thế giới thực hiện những hành động cụ thể xoay quanh chủ đề: “Sống thông minh, Đi lại thông minh và Ăn uống thông minh”.

Những thay đổi dù là nhỏ của mỗi cá nhân được kỳ vọng góp phần nâng cao nhận thức về môi trường, khí hậu và làm giảm dấu chân cacbon của các cá nhân lên môi trường sống

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.