Những ngày gần đây, ai đến thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh một chiếc xe lưu động của ngành văn hóa chạy khắp các đường phố để rao thông báo với nội dung khuyến dụ du khách không nên cho tiền và mua hàng do trẻ em bán.
Sở dĩ có chuyện lạ này là do trên đường phố Sa Pa xuất hiện khá nhiều các cháu nhỏ dưới 10 tuổi hay bu bám du khách để xin tiền hoặc chèo kéo khách mua các loại hàng, chủ yếu là “quà lưu niệm”, bất chấp cái lạnh cắt da, có hôm nhiệt độ xuống dưới 0 độ. Trời lạnh như thế, bản thân những người đi chơi đã ngại, huống gì là bọn trẻ, suốt ngày dãi dầu trong sương giá để kiếm ăn.
Thật bất nhẫn hơn, ở một góc xa xa nơi các cháu “hoạt động”, thường có những người phụ nữ mà đa phần là các bà mẹ luôn dõi theo những đứa trẻ để “chỉ đạo từ xa”. Cháu nào “lười nhác” hoặc sao nhãng trong việc xin tiền hay bán quà lưu niệm là sẽ bị chấn chỉnh, thậm chí bị ăn đòn ngay.
Chuyện chăn dắt trẻ em, đẩy chúng ra đường để gợi lòng trắc ẩn của người đời, đã và đang xảy ra ở hầu khắp các thành phố trên cả nước. Thậm chí, nhiều người rất tàn nhẫn, biến những đứa trẻ lành lặn thành tật nguyền để gợi sự thương xót mà kiếm được tiền nhiều hơn.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của bọn trẻ ở Sa Pa trong những ngày lạnh giá này mang một “sắc diện” khác. Thị xã thì bé nhỏ mà lượng khách du lịch “đi hưởng lạnh xứ Bắc” thì nhiều nên những hình ảnh phản cảm từ những đứa trẻ như được nhân lên.
Chỉ tính trong 3 ngày nghỉ dịp tết dương lịch vừa qua, điểm du lịch nổi tiếng này đã đón đến 65 nghìn lượt khách đến thăm quan. Còn tính cả năm, Sa Pa đón đến 3 triệu lượt du khách. Những con số trên đây đủ để thấy điểm du lịch này hấp dẫn thế nào đối với khách du lịch trong thời điểm dịch dã này.
Cứ thử hình dung xem, hàng trăm nghìn cặp mắt đã thu về mình hình ảnh những đứa trẻ lang thang xin ăn và chèo kéo bán hàng trong những ngày lạnh giá này ở Sa Pa thì mức độ “tổn thương” trong lòng họ sẽ như thế nào?
Bọn trẻ đã bị người lớn, thậm chí bị chính những người sinh ra chúng đẩy ra đường để làm kế sinh nhai là hành vi vừa bất nhẫn vừa phạm pháp.
Đội thông tin lưu động của Sa Pa kêu gọi mọi người hãy “cứu” các cháu nhỏ bằng cách không mua hàng lưu niệm hoặc cho tiền bọn trẻ. Chúng ta - những du khách đã và sẽ đến Sa Pa nên ủng hộ lời kêu gọi này. Tuy nhiên, có lẽ đây chỉ là giải pháp tình thế. Bởi vì, chính “lời kêu gọi” được phát ra từ chiếc loa trên xe lưu động kia cũng là một hình ảnh phản cảm. Vả lại, chả ai rảnh đâu mà ngày nào cũng đi rao loa như thế cả.
Nên chăng, chính quyền địa phương, bên cạnh việc kiên quyết dẹp bỏ cảnh nhếch nhác này… qua loa, cần có biện pháp mạnh đối với những kẻ nhẫn tâm biến trẻ em thành những chiếc cần câu cơm trong giá rét như thế. Hãy trả lũ trẻ về với sách vở và sự hồn nhiên trong sáng như vốn dĩ chúng phải được hưởng.