Người mua tranh ở Việt Nam thường không có chủ đề trọng tâm. Họ mua tất cả những gì họ thích và cho là sẽ có giá. Trong khi để trở thành một nhà sưu tập, các yếu tố mang tính kinh tế chỉ là một vấn đề nhỏ trong các tiêu chí tối thiểu cần phải có.
Mua nhiều tranh chưa hẳn là nhà sưu tập
Tranh giả đề tên họa sĩ Lê Văn Đệ, Hanoi 1932 “quay vòng” đấu giá trong phiên “Classic sale” diễn ra vào đầu tháng 7/2022 - với giá 43.000 euro. |
Thời gian gần đây, cùng với sự tăng nhiệt của thị trường bất động sản thì nghệ thuật gần như bị “kéo” theo, đặc biệt trong lĩnh vực hội họa. “Giàu chơi vàng, sang chơi gỗ” nhưng đồng thời lại có câu “nhiều tiền mua đất, lắm vàng mua tranh”. Tâm lý ấy tạo ra xu hướng không biết nên vui hay buồn, ấy là đầu cơ nghệ thuật.
Đầu cơ nghệ thuật không phải là xấu, thậm chí có những thời điểm được coi là tín hiệu tích cực thúc đẩy thị trường phát triển, tạo động lực sáng tạo với nghệ sĩ.
Tuy nhiên, khi chạy theo xu hướng mà chính người mua tranh không hiểu thì vô tình lại biến mình thành con buôn.
Theo Vanvi Gallery, mua một hay nhiều bức tranh cũng không thể biến một người mua tranh thành một nhà sưu tập. Điều này giống việc mang một vài tác phẩm đương đại đặt cạnh một vài tác phẩm chiến tranh, thêm một vài bức tượng hay điêu khắc cũng không tạo nên một bộ sưu tập.
Chúng chỉ tạo nên một nhóm tác phẩm được mua bởi một người mua tranh nhiệt tình. Vậy điều gì tạo nên một bộ sưu tập tranh, và điều gì để người mua tranh trở thành một nhà sưu tập? Đây là câu hỏi mà từ rất lâu chưa có đáp án.
Theo giới nghiên cứu và phê bình mỹ thuật, người mua tranh muốn biến mình thành một nhà sưu tập thường phải vượt qua hai trở ngại. Đầu tiên phải chọn một chủ đề trọng tâm. Thứ hai, phải có khả năng nghiên cứu chủ đề đó một cách sâu sắc, khả năng đánh giá, lựa chọn tác phẩm phù hợp với tính cách riêng của bộ sưu tập.
Để tạo nên một bộ sưu tập, người mua tranh phải nghiên cứu sâu về chủ đề mà họ quan tâm. Bộ sưu tập là một dự án có kế hoạch và nhà sưu tập tranh phải mất nhiều năm (thậm chí nhiều thế hệ) để tuyển chọn các tác phẩm phù hợp với dự án ấy.
Nhiều nhà sưu tập chọn cách tập trung vào một nghệ sĩ nhất định. Một số nhà sưu tập lại khoanh vùng việc mua bán tác phẩm trong một thể loại, hoặc theo dấu mốc lịch sử nhất định, và cố gắng tìm về những tác phẩm nổi bật nhất của thời kỳ đó. Thậm chí, có nhà sưu tập chỉ quan tâm đến tranh ký họa, hay sưu tập để giúp đỡ một họa sĩ nào đó.
Hướng đến giá trị chân chính
“Nói đến sưu tầm tranh, là nói việc giao dịch mua bán tác phẩm do họa sĩ đương đại sáng tạo ra, chứ không phải là mua bán dòng tranh chép, tranh nhái. Việc sưu tầm tranh mang nặng yếu tố cá nhân nên không thể bắt ép, chỉ dẫn áp đặt cách thức. Vì thế, chỉ có thể tác động vào việc thưởng lãm nghệ thuật cũng như sưu tầm tác phẩm, thông qua việc nâng cao trình độ thẩm mỹ - và điều này là trách nhiệm của Nhà nước chứ không ai có thể làm thay được”. Họa sĩ Nguyễn Quang Huy
Cho đến nay, sưu tập nghệ thuật ở Việt Nam đã trở thành một nghề với đủ các yếu tố thăng – trầm, vinh quang và cả bi đát. Ngày càng nhiều người theo các xu hướng sưu tầm chuyên biệt, nhưng cũng không ít người vào nghề theo kiểu “thử chơi”.
Nhà nghiên cứu Lý Đợi cho hay: “Nếu không đủ bi – trí – dũng, thì xin đừng chơi tranh”. Theo ông Đợi, sưu tập tranh không chỉ phải có nhiều tiền, mà còn phải rất am hiểu, rất đam mê và yêu thích thực sự.
Nhiều người ví sưu tập tranh với bất động sản, tuy nhiên đây lại là hai lĩnh vực khác nhau. Mua một mảnh đất xấu có thể chỉ bị lỗ, nhưng mua một bức tranh giả hay nhái thì có thể mất tất cả.
Đời sống vật chất cải thiện tỉ lệ thuận với nhu cầu thưởng thức văn hóa. Bởi vậy hiện nay, số người bỏ tiền mua tranh đã nhiều hơn xưa. Người mua tranh tựu chung là có 2 dạng, thứ nhất mua về treo để thoả mãn đam mê. Dạng này thì tiền đến đâu, chơi đến đó. Thứ hai là coi tranh như một loại hàng hóa đặc biệt, có thể đầu tư sinh lời.
Ở nước ta, nhà tư sản Đức Minh là người đầu tiên sưu tập nghệ thuật có tính hệ thống, với nhiều tác phẩm trải dài từ 1925 - 1970. Thậm chí, bộ sưu tập của ông còn giá trị hơn nhiều so với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Trước năm 1954 ông Đức Minh từng sang hội chợ Đấu xảo Paris để mua về bức tranh lụa “Chơi ô ăn quan” của Nguyễn Phan Chánh, mua tranh của Nguyễn Tường Lân, Bùi Xuân Phái hay Tô Ngọc Vân…
Vài năm gần đây, tranh của họa sĩ thời kỳ Đông Dương có giá cao trên thị trường quốc tế, thu hút các sưu tầm săn lùng. Tuy nhiên, cùng với sự “có giá” ấy là tình trạng tranh giả xuất hiện ngay trong những phiên đấu giá uy tín quốc tế. Vì thế, giới nghiên cứu như Ace Lê và Kevin Vương từng lên tiếng cảnh báo.
“Nhiều vụ bị phơi bày ra ánh sáng, rồi lại chìm vào quên lãng. Chỉ có nền mỹ thuật Việt Nam chịu tai tiếng, thanh danh họa sĩ và gia đình bị tổn hại. Còn những người đứng sau, bên môi giới và đấu giá tranh giả vẫn hưởng lợi sau mỗi giao dịch”, ông Ace Lê cho hay.
Một số nhà sưu tập khi mua phải tranh giả (hoặc biết rõ là tranh giả), vẫn cố tình “tuồn” ra thị trường. Có những bức tranh giả, giá lên tới hàng trăm nghìn USD. Lại có những tác phẩm nhái, dù tai tiếng nhưng vẫn “quay vòng” đấu giá gây ảnh hưởng xấu đến nghệ thuật Việt Nam.
Bởi vậy, hoạt động sưu tập tranh không chỉ phải có trách nhiệm với nền văn hoá của đất nước, mà còn phải tự nâng cấp mình thành nhà sưu tập chân chính. Tuy nhiên, trong tương lai gần, trước khi trở thành nhà sưu tập chân chính, người mua tranh cần tránh biến mình thành con buôn.