Với mong muốn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, 2 học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) đã thực hiện dự án “Ứng dụng học sâu trong sáng tác nhạc tự động, định hướng bảo tồn và phát triển đờn ca tài tử Nam Bộ”. Qua đó, công nghệ số trở thành cầu nối truyền thống và hiện đại, góp phần lưu giữ và lan tỏa giá trị văn hóa lâu đời trong thời đại số.
Nhập văn bản là ra bản nhạc
Cùng học lớp 11 chuyên Tin, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Hà Nhật Bảo và Nguyễn Tấn Đức có chung niềm đam mê đặc biệt với âm nhạc. Từ điểm đồng điệu ấy, 2 nam sinh đã ấp ủ ý tưởng tạo ra công cụ hỗ trợ người dùng dễ dàng sáng tác nhạc theo tâm trạng, cảm hứng và nhu cầu cá nhân.
Trong quá trình tìm hiểu, Nhật Bảo cho biết nhóm nhận thấy dữ liệu về cổ nhạc Việt Nam, đặc biệt đờn ca tài tử, xuất hiện khá mờ nhạt và gần như bị lấn át bởi dòng nhạc hiện đại. Với mong muốn lưu giữ, bảo tồn và phát huy nền âm nhạc truyền thống trong bối cảnh cuộc sống ngày càng hiện đại, hai em quyết định thực hiện đề tài “Ứng dụng học sâu trong sáng tác nhạc tự động, định hướng bảo tồn và phát triển đờn ca tài tử Nam Bộ”.
Từ tháng 6/2024, Nhật Bảo và Tấn Đức chính thức bắt tay vào nghiên cứu. Hành trình thực hiện đề tài là chuỗi ngày liên tục thử nghiệm, điều chỉnh và khắc phục sai sót để hoàn thiện sản phẩm. Ứng dụng được xây dựng gồm ba mô hình kỹ thuật chính: Biểu diễn âm thanh phù hợp với kiến trúc học sâu nhằm tạo ra những bản đờn ca tài tử; nhập văn bản - nơi người dùng đưa ra yêu cầu, được mã hóa và chuyển thành bản nhạc hoàn chỉnh; xử lý các đặc trưng để tạo ra bản nhạc mới.
Dù có nền tảng lập trình và kiến thức AI từ trước, nhóm cho biết việc phát triển công cụ có khả năng sáng tác các bản nhạc đờn ca tài tử vô cùng khó khăn. Một trong những thử thách lớn nhất là dữ liệu đầu vào: Tài liệu và bản nhạc liên quan đến đờn ca tài tử Nam Bộ rất ít và rải rác. Thêm vào đó, đặc trưng của thể loại nhạc này là thời lượng dài, yêu cầu kỹ thuật xử lý phức tạp và cần thiết bị phần cứng mạnh mẽ để vận hành hệ thống.
Tấn Đức chia sẻ: “Với ứng dụng này, người dùng chỉ cần mô tả bằng văn bản - càng chi tiết thì kết quả càng sát mong muốn. Ví dụ, có thể yêu cầu sáng tác một bản nhạc đờn ca tài tử mang âm hưởng vui tươi, tạo cảm giác không gian lễ hội hay cung đình… và chỉ trong chưa đầy một giây, hệ thống sẽ tạo ra bản nhạc hoàn chỉnh đáp ứng yêu cầu đó”.
Trong quá trình triển khai, hai em phân chia công việc rõ ràng: Tấn Đức đảm nhận phần thiết kế mô hình, Nhật Bảo phụ trách xử lý dữ liệu. Nhóm cũng chủ động tìm đến các chuyên gia có chuyên môn sâu về âm nhạc truyền thống như PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm - Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM để bổ sung tư liệu và hỗ trợ kiểm chứng kết quả thử nghiệm.
Ngoài ra, thầy Đỗ Quốc Anh Triết - giáo viên Tin học Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, người trực tiếp hướng dẫn đề tài, đã đóng vai trò như một “quân sư”. “Nhờ những chỉ dẫn, kinh nghiệm nhiều năm hướng dẫn nghiên cứu khoa học của thầy, nhóm đã tìm ra hướng đi phù hợp, tiết kiệm thời gian, chi phí và hoàn thiện dự án”, Tấn Đức bày tỏ.

Mang đờn ca tài tử đến giới trẻ
Theo chia sẻ của Hà Nhật Bảo, đờn ca tài tử là dòng cổ nhạc gần gũi với người dân Nam Bộ nhưng khá xa lạ với giới trẻ hiện nay. Chính vì vậy, nhóm mong muốn tạo ra công cụ giúp mọi người có thể tự sáng tác bản nhạc đờn ca tài tử mà không cần hiểu sâu về nhạc lý.
“Sở dĩ em và Tấn Đức chọn thể loại nhạc này vì rất yêu thích đờn ca tài tử. Thông qua dự án, nhóm mong muốn ứng dụng trí tuệ nhân tạo để thiết kế một công cụ đưa dòng nhạc truyền thống đến gần hơn giới trẻ. Đặc biệt, việc chuyển giao số là phương tiện thuận lợi để quảng bá không chỉ đến giới trẻ Việt Nam mà còn với bạn bè quốc tế”, Nhật Bảo chia sẻ.
Về hướng phát triển trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu dự kiến tập trung vào hai mục tiêu chính. Thứ nhất, cho phép mô hình có thể tạo ra nhạc kèm giọng hát, bởi giọng hát là yếu tố không thể thiếu trong đờn ca tài tử. Thứ hai, xây dựng các bản phối kết hợp giữa nhạc cổ truyền và nhạc hiện đại, qua đó mở rộng khả năng tiếp cận đến nhiều đối tượng hơn, đặc biệt là giới trẻ.
Tấn Đức nhận định, việc kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại đang là xu hướng trong làng nhạc. Vì vậy, nếu có thể phát triển mô hình AI giúp bất kỳ ai cũng có thể tạo ra những bản phối hấp dẫn, thì chắc chắn đờn ca tài tử sẽ có thêm sức sống, từng bước được bảo tồn và phát triển trong thời đại số.
“Với em, công nghệ cũng như AI sẽ luôn phát triển và không bao giờ dừng lại. Chính vì vậy em và Nhật Bảo cố gắng cập nhật kiến thức để sử dụng các công nghệ tiên tiến nhất có thể phục vụ việc quảng bá giá trị đờn ca tài tử Nam Bộ đến với mọi người”, Tấn Đức kỳ vọng.
Từ tính sáng tạo và giá trị thực tiễn cao, dự án “Ứng dụng học sâu trong sáng tác nhạc tự động, định hướng bảo tồn và phát triển đờn ca tài tử Nam Bộ” là đề tài duy nhất của TPHCM và 1 trong 12 đề tài đoạt giải Nhất Cuộc thi Nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia năm học 2024 - 2025 diễn ra vào tháng 3 vừa qua. Đặc biệt, dự án được Bộ GD&ĐT chọn đại diện cho Việt Nam tham gia Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế - ISEF 2025, diễn ra tại Mỹ từ ngày 10 -16/5.