Đưa văn hóa dân tộc vào trường học vùng biên giới Vị Xuyên

Tại Vị Xuyên các em học sinh được dạy thổi, múa các bài khèn truyền thống
Tại Vị Xuyên các em học sinh được dạy thổi, múa các bài khèn truyền thống

Việc làm cần thiết

Với 19 dân tộc, nên huyện Vị Xuyên có rất nhiều phong tục, lễ hội, nghề truyền thống cần được gìn giữ và phát huy. Nếu như dân tộc Mông có Lễ hội Gầu tào, dân tộc Dao có Lễ hội Cấp sắc, thì đồng bào Tày cũng có Lễ hội Lồng tông; người Bố Y, Pà Thẻn có Lễ hội Nhảy lửa,... và các làn điệu dân ca phong phú ngọt ngào như: Hát Then, hát Cọi, hát Sli, hát Lượn. Lối sống, văn hóa của đồng bào các dân tộc tự thân kết hợp, tạo nên “bức tranh” văn hóa đa sắc, phong phú.

Tuy nhiên, là một huyện biên giới, địa bàn rộng, kinh tế phát triển chưa đồng đều, đời sống sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa tinh thần của một bộ phận người dân nhất là đồng bào thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, do tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, của lối sống hiện đại. một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ không còn tha thiết hay không thích thú học hỏi, tìm hiểu văn hóa truyền thống dẫn đến nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền.

Thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVI về việc đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vào giảng dạy trong các nhà trường, cũng như thực hiện Quyết định số 597/QĐ-UBND ngày 07 tháng 4 năm 2016 của UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt Đề án giáo dục kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016-2020 UBND, huyện Vị Xuyên đã xác định đây là phương thức quan trọng trong các hoạt động bảo tồn, nhắm vào giới trẻ là con, em đồng bào các dân tộc, là chủ thể của các hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cư dân bản địa.

Ông Nguyễn Hữu Việt, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vị Xuyên cho biết: “Hiện, huyện có 250 đội văn nghệ quần chúng, 120 đội văn nghệ dân gian, 24/24 xã, thị trấn đều có Hội Nghệ nhân dân gian (NNDG) với tổng số trên 1.000 hội viên. Các đội văn nghệ và Hội NNDG đều hoạt động rất tích cực và đã phát huy tốt vai trò trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở địa phương. Ngoài ra, các trường học đã phối hợp với chính quyền địa phương mời các NNDG đến truyền dạy văn hóa bản địa vào các giờ ngoại khóa. Nhiều lớp dạy đàn Tính, hát Then, hát Cọi, dạy nghề truyền thống được mở ra đã thu hút sự tham gia của đông đảo các em học sinh và quần chúng nhân dân, qua đó góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đang đứng trước nguy cơ mai một...”.

Những hiệu quả bước đầu

Bà Lê Thị Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vị Xuyên chia sẻ: Từ khi nhận được Đề án giáo dục kỹ năng sống và đưa văn hóa các dân tộc vào giảng dạy trong nhà trường của UBND tỉnh đưa ra, phòng GD&ĐT huyện đã tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch và triển khai đồng bộ tới tất cả các đơn vị trường học trên địa bàn. Tổ chức các đợt tập huấn về nội dung, phương pháp giảng dạy, giáo dục kỹ năng sống cho cán bộ, giáo viên. Cung cấp tài liệu, sách tham khảo, triển khai giảng dạy nội dung giáo dục kỹ năng sống cho các trường hay tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về kỹ năng sống…

Điệu "Múa gậy sinh tiền" của đồng bào Mông được truyền dạy tại trường PTDT Nội Trú Vị Xuyên trong giờ ngoại khóa
Điệu "Múa gậy sinh tiền" của đồng bào Mông được truyền dạy tại trường PTDT Nội Trú Vị Xuyên trong giờ ngoại khóa 

Chúng tôi đến thăm trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Vị Xuyên, thị trấn Vị Xuyên vào dịp các thầy, cô giáo tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa, chơi trò chơi dân gian truyền thống. Cô giáo Trần Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2018 - 2019 này, trường PTDT Nội trú Vị Xuyên có 8 lớp với 250 học sinh với nhiều dân tộc khác nhau, ngoài việc các em học sinh được học trong những phòng xây kiên cố với các trang thiết bị, kỹ thuật được tăng cường theo hướng hiện đại thì học sinh còn được giáo dục kỹ năng sống, truyền dạy và giữ gìn văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc.

Nhà trường thực hiện truyền dạy các bài hát dân ca, điệu múa dân tộc như học đàn và hát then dân tộc Tày; học cách thổi và múa một số điệu khèn truyền thống của đồng bào dân tộc Mông; học thổi khèn lá. Ngoài ra còn tổ chức duy trì những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp khác của các dân tộc như văn hóa ẩm thực; trò chơi dân gian; các lễ hội, trang phục dân tộc; các văn hóa truyền thống này được thực hiện lồng ghép trong giáo dục kỹ năng sống, trong thực hiện các mô hình.

Đánh giá về hiệu quả của các hoạt động giáo dục này, cô giáo Trần Thị Thu Hằng khẳng định: Thông qua các hoạt động này, không những khích lệ, động viên tinh thần cán bộ giáo viên thi đua dạy tốt, mà còn tạo môi trường thân thiện, lành mạnh, thu hút các em tham gia vào hoạt động của nhà trường. Đặc biệt, là giúp các em nâng cao nhận thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ngoài giúp các em học sinh thêm yêu lớp, yêu trường thì còn giúp các em đã gắn bó, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, không có sự kỳ thị giữa các dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.
“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.